Góp vốn ODA cùng tư nhân làm hạ tầng

Cầu Long Thành trên đường cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Giây được xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản Ảnh: Hoàng Linh
Cầu Long Thành trên đường cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Giây được xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản Ảnh: Hoàng Linh
TP - Ngày 15-6, ông Motonori Tsuno (ảnh)- Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, thời gian tới, JICA sẽ cung ứng vốn ODA để cùng doanh nghiệp tư nhân, đầu tư xây dựng hạ tầng cho Việt Nam. Đây là hình thức hỗ trợ ODA mới.

> Sắp khởi công xây 8 cầu đường sắt Bắc Nam

Cầu Long Thành trên đường cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Giây được xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản Ảnh: Hoàng Linh
Cầu Long Thành trên đường cao tốc Hồ Chí Minh - Dầu Giây được xây dựng bằng vốn ODA Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Linh.

Ông Motonori Tsuno cho biết, để thực hiện được hình thức đầu tư trên, JICA đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách về PPP (nhà nước và tư nhân cùng góp vốn đầu tư hạ tầng).

Sẽ cùng tư nhân góp vốn đầu tư

Theo ông, làm thế nào để khu vực tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ODA?

Hình thức PPP là phần đầu tư của nhà nước và phần đầu tư của tư nhân kết hợp lại với nhau để thực hiện các công trình chứ không phải cho tư nhân vay ODA để thực hiện công trình.

Ví dụ, tại dự án cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), nguồn vốn ODA sẽ được dùng để xây dựng cầu và đường dẫn từ đất liền ra cảng; còn nguồn vốn tư nhân sẽ được sử dụng để lắp đặt các thiết bị và vận hành hoạt động cảng sau này.

Ngoài ra, hình thức PPP cũng đang được nghiên cứu để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai); dự án cung cấp nước sạch cho Hà Nội; xây dựng một tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Nam...

Việc Chính phủ Việt Nam thí điểm hình thức PPP sẽ mở ra cơ hội để huy động nguồn vốn khu vực tư nhân vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ông đánh giá về khả năng khu vực tư nhân được tiếp nhận vốn ODA để cùng đầu tư hạ tầng trong thời gian tới thế nào?

Tôi được biết, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hình thức PPP. Riêng với JICA, ngoài hình thức hỗ trợ ODA truyền thống cho Chính phủ, sẽ cùng đầu tư góp vốn với khu vực tư nhân để thực hiện một số dự án hạ tầng. Việc thực hiện hình thức PPP là cần thiết, vì thực tế Việt Nam đang cần xây dựng gấp một loạt dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt giao thông. Để thực hiện theo hình thức PPP, vai trò của Chính phủ là rất lớn.

Ông Motonori Tsuno
Ông Motonori Tsuno .
 

Không giảm ODA cho Việt Nam

Mới đây, dù khó khăn nhưng Nhật Bản tuyên bố không cắt giảm vốn ODA cho Việt Nam, ông có thể nói lý do?

Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam bắt đầu từ năm 1992. Đến nay, nhiều công trình sử dụng vốn ODA như: giao thông, điện lực, môi trường... đã hoàn thành và đạt hiệu quả cao hơn mức chúng tôi mong muốn.

Việc Nhật Bản tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện ODA cho Việt Nam vì nguồn vốn này đang được sử dụng một cách hiệu quả. Hơn nữa, nó thể hiện thiện chí của chúng tôi trong việc thực hiện kế hoạch hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Dù một số dự án sử dụng ODA còn vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng hoặc tái định cư chậm song JICA sẽ có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các địa phương để nhanh chóng tháo gỡ. Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA, để làm sao trong năm tài khoá 2011, giải ngân ODA vượt mức 92 tỷ yen của năm tài khoán 2010. Đây là con số rất ấn tượng, thể hiện việc sử dụng ODA ở Việt Nam rất hiệu quả.

Hiện, Nhật Bản cung cấp ODA cho hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, nhiều nhất là Ấn Độ khoảng 200 tỷ yen/năm (tương đương với khoảng 2 tỷ USD). Việt Nam xếp thứ hai. Tuy nhiên, Ấn Độ là nước có dân số lớn, nếu tính theo tỷ lệ đầu người thì Việt Nam là nước tiếp nhận ODA từ Nhật Bản lớn nhất chứ không phải Ấn Độ. Năm 2011, Nhật Bản cam kết cung cấp 1,76 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam.

Cảm ơn ông.

510 triệu USD ODA cho Việt Nam

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki và Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc vừa ký, trao đổi công hàm về 2 dự án viện trợ vốn vay trong đợt I, năm tài khóa 2011 với tổng số vốn là 40 tỷ 946 triệu yen (khoảng hơn 510 triệu USD).

Theo đó, 15 tỷ 912 triệu yen (khoảng hơn 198 triệu USD) sẽ dành cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, giai đoạn 1) và 25 tỷ 34 triệu yen (hơn 310 triệu USD) cho dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn Hồ Chí Minh - Dầu Giây, giai đoạn 2).

Dự án thứ nhất có tổng chiều dài khoảng 131,5 km; dự án thứ hai là 55 km. Cả hai dự án đều thuộc mạng lưới đường bộ cao tốc Bắc - Nam, điều kiện cung cấp là lãi suất 1,2%, thời hạn trả là 30 năm (kể cả 10 năm ân hạn).

Phong Cầm (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN. Ảnh minh họa: Như Ý
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng
TP - Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.