Gỡ dần tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời gian qua tại một số bệnh viện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tồn tại. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ.

TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thừa nhận tại bệnh viện vẫn tồn tại tình trạng người bệnh phải đi mua thuốc ngoài do thiếu thuốc. Đây là bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước nên sử dụng số lượng vật tư, thuốc rất lớn. Tuy nhiên, tại đây hiện chỉ thiếu một số thuốc không có thuốc thay thế do không mua sắm được vì không có nhà cung cấp tham gia đấu thầu như Albumin và Gamma Globulin. “Số bệnh nhân ghép tạng cần dùng loại thuốc này rất nhiều, nhưng không có trong dược nội trú, nên buộc phải mua ngoài. Đây cũng là loại thuốc mà nhiều bệnh viện công đang thiếu”, TS. Hùng nói đồng thời thông tin thêm hiện các gói thầu có kết quả, bệnh viện đã gọi được hàng.

Gỡ dần tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh 1

Số ca mổ tại BV Việt Đức đang tăng lại sau khi khắc phục một phần việc thiếu thuốc.

Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng thiếu thuốc mê do lượng bệnh nhân cần phẫu thuật lớn, ở mức 270-300 ca mổ phiên, 30-40 ca mổ cấp cứu mỗi ngày. “Trong phẫu thuật, thuốc mê rất quan trọng và không có thuốc thay thế. Khi chậm tham gia thầu, chậm toàn hệ thống tất cả các bệnh viện, không thể vay mượn được các nơi. Tháng 5 vừa rồi mới có thông tư hướng dẫn mua sắm, nên các bệnh viện mới bắt đầu làm hồ sơ để thầu. Rất may gói thầu thuốc mê đã giải quyết được, số lượng ca mổ tăng trở lại”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói.

Về đấu thầu theo thông tư mới, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho hay, không phải mời thầu là đấu thầu được ngay. Bệnh viện đang nỗ lực đấu thầu, bộ phận làm thầu phải tăng ca cả cuối tuần để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng mua sắm theo hình thức khẩn cấp để đủ vật tư mổ cho người bệnh. Dự kiến 1-2 tuần tới, khi các gói thầu hoàn thiện mới có thể ổn định được

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, một số loại thuốc, vật tư có gián đoạn trong thời gian đấu thầu nhưng bệnh viện cũng có các loại thay thế. Một số bệnh nhân không đồng ý đổi phác đồ điều trị, hoặc muốn sử dụng loại tốt hơn so với các loại bệnh viện cung cấp dẫn đến việc phải ra ngoài mua. Tuy nhiên, đây là những thuốc không quy định trong danh mục Bảo hiểm Y tế chi trả. “Đến nay Bệnh viện K không thiếu thuốc trong danh mục do Bảo hiểm Y tế chi trả. Một số loại thuốc hoặc vật tư không được Bảo hiểm Y tế chi trả bệnh nhân có thể mua tại nhà thuốc Bệnh viện K. Hiện nay các nhà thuốc của bệnh viện không xảy ra tình trạng thiếu thuốc”, GS Quảng khẳng định.

Vấn đề nan giải của Bệnh viện K là tình trạng quá tải tại khu vực xạ trị. Khoảng 1 tháng gần đây, 2 máy xạ trị tại cơ sở 3 Tân Triều được đưa vào sửa chữa, bảo trì khiến nhiều bệnh nhân phải hoãn mũi xạ, hoặc chuyển sang điều trị tại các máy còn lại dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân, các máy còn lại phải chạy hết công suất. “Hiện nay, 2 máy đã được đưa vào sử dụng trở lại. Như vậy với 5 máy hiện có, mỗi máy chạy 22-23 giờ/ngày nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã lên các kế hoạch đầu tư, dự kiến đến quý 1/2025 sẽ đưa thêm 3 máy gia tốc vào hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu về xạ trị cho bệnh nhân ung thư”, TS. Quảng nói.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện, cho hay, một số mặt hàng thuốc khan hiếm nên chỉ được sử dụng cho bệnh nhân khi có phê duyệt của lãnh đạo bệnh viện để tiết kiệm như: thuốc tăng trưởng cho trẻ, Albumin... Tuy nhiên, đến nay, thuốc tăng trưởng đã được mở thầu cung cấp cho bệnh viện. Đầu năm, bệnh viện thiếu thuốc điều trị ung thư do nguồn cung nhưng đến giờ đã có 3 công ty báo giá cung cấp nên việc thiếu thuốc đã được giải quyết. Theo TS. Điển, Bệnh viện Nhi không rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhiều là do bộ phận chức năng liên tục kiểm tra số lượng thuốc, lên kế hoạch dự trù mua sắm, khi thấy nguy cơ thiếu thuốc, phải xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu; sau khoảng 30-90 ngày sẽ có thuốc. Một số tình huống bệnh viện được phép mua quá 30% để tránh tình trạng thiếu thuốc trong vài tháng chờ thầu mới thì vẫn có thuốc dùng.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhận định, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ. “Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin...)”, bà Lan nói. Bà cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện đấu thầu, mua sắm...). Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.

Bộ Y tế đã xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản giúp các bệnh viện, cơ sở y tế có cơ sở pháp lí cụ thể để triển khai đấu thầu, mua sắm, góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại và nâng cao hiệu quả cung ứng thuốc, thiết bị y tế. Ngoài ra, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan xây dựng Luật Đấu thầu, trong đó, có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn. Các văn bản cũng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện chủ động, linh hoạt trong việc mua thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế.

TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, nhiều quy định mới đã giúp bệnh viện tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu, thậm chí có những quy định là bước tiến lớn, như không nhất thiết mua hàng với giá thấp nhất, hay bỏ quy định về nguồn gốc, xuất xứ, giúp bệnh viện mua sắm được hàng tốt, giá hợp lý, tuân thủ quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG