Thời gian qua, báo chí phản ánh tình trạng Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ sẽ tạm dừng đi giao máu, chế phẩm máu từ ngày 5/9 và chỉ phát máu, chế phẩm máu trong trường hợp cấp cứu.
Do gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024, bệnh viện hiện không còn túi lấy máu và hóa chất xét nghiệm sàng lọc máu. Nhiều bệnh viện chuyên khoa sản nhi ở các tỉnh, thành miền Nam thiếu thuốc thiết yếu điều trị bệnh tay chân miệng, thiếu vắc xin cho trẻ em…
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bệnh nhân không thể thay thủy tinh thể vì bệnh viện này đã hết thủy tinh thể từ nhiều tháng nay. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, nhiều người dân đến khám, điều trị bức xúc vì dù có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc bên ngoài bệnh viện mua từ bông băng, kim tiêm. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước xác nhận nguyên nhân do chậm trễ trong quy trình thực hiện đấu thầu.
Nhiều bệnh viện vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế |
Ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết hiện nay có lúc, có nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư là do tâm lí e ngại sau những vụ việc vi phạm về đấu thầu.
“Ngày 31/12/2023, Nghị quyết 30 của Chính phủ hết hiệu lực, chúng ta sẽ chuyển sang áp dụng Luật Đấu thầu mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024, trong đó đã quy định nhiều hình thức mua sắm vật tư trang thiết bị.
Chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH&ĐT để triển khai. Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép đăng kí lưu hành đến năm 2024 đối với nhiều loại thuốc để đảm bảo nguồn thuốc đầu vào cho đơn vị cung ứng”, ông Công nói.
Việc cho phép lựa chọn giá trúng thầu sát với khả năng tài chính, thay vì chọn giá thấp nhất nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đã tháo gỡ được bất cập về giá khi đấu thầu vật tư trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, việc cho phép chỉ cần 1 - 2 báo giá cũng có thể làm căn cứ cho kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng tháo gỡ được khó khăn đối với những mặt hàng độc quyền.
Nhiều nguyên nhân từ địa phương
Đại diện Bộ Y tế cho biết, các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia vẫn đảm bảo cung ứng đủ tới các cơ sở y tế. Việc thiếu thuốc, vật tư ở cơ sở là do địa phương chưa triển khai xong công việc thuộc nhiệm vụ của mình.
Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho hay các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn từ 1/9/2022 đến 31/8/2024 có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế. Đây là các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 và biệt dược có giá trị và số lượng sử dụng lớn, chủ yếu là các loại thuốc kháng sinh, tim mạch, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị tiểu đường, thuốc kháng virus ARV.
Năm 2022 và đầu năm 2023, Hội đồng đàm phán giá đã đàm phán thành công đối với 64 thuốc biệt dược gốc với tỉ lệ giảm giá trung bình đạt 14,2% so với giá trúng thầu tại các cơ sở y tế trước đó (tương đương 2.035 tỷ đồng), thời gian thực hiện thỏa thuận cung ứng thuốc đến cuối năm 2024.
“Việc sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia đến nay tương đối thấp (đạt 19-24% tổng số thuốc trúng thầu, tùy từng khu vực), nguyên nhân do mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân có sự thay đổi sau đại dịch”. Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia
Đối với các thuốc đàm phán giá, ông Dũng thông tin: “Các nhà thầu cung cấp thuốc trúng thầu đàm phán giá nhìn chung ổn định, hiếm gặp tình trạng gián đoạn cung ứng.
Nhà thầu thường chủ động có văn bản gửi Trung tâm cảnh báo khi có nguy cơ gián đoạn cung ứng chủ yếu do thuốc có sự thay đổi thông tin và chưa được Cục Quản lí Dược công bố tại Danh mục thuốc biệt dược gốc.
Khi đó, Trung tâm luôn phối hợp gửi văn bản cho Cục Quản lí Dược đề nghị hỗ trợ, xem xét sớm công bố các thủ tục cần thiết để việc cung ứng thuốc của nhà thầu không bị gián đoạn”.
Về tình hình sử dụng kết quả đàm phán giá của các cơ sở y tế, lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia nói: “Đối với 64 thuốc đàm phán thành công năm 2022-2023, do hiệu quả của công tác đàm phán, có những biệt dược gốc giảm giá trên 30%, thậm chí 52%, về gần với giá của thuốc generic nhóm 1 nên cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng lên, vì vậy, nhiều thuốc có tỉ lệ thực hiện theo tiến độ rất cao (trên 80%) chủ yếu là các thuốc thuộc nhóm kháng sinh (Meronem), tim mạch (Crestor), thuốc điều trị thiếu máu (Eprex 4000U) và một vài thuốc thuộc nhóm điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch (Glivec 100mg, Cellcept 250mg)”.
Việc cơ sở y tế thiếu thuốc có phải do Bộ Y tế chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá? Ông Dũng trả lời, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.
Tổng số thuốc đấu thầu tập trung quốc gia chiếm gần 17% tỉ trọng thuốc đang sử dụng tại các cơ sở y tế. Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
“Với các thuốc generic nhóm 3, 4 ,5 có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng sẽ do cơ sở y tế địa phương tự tổ chức đấu thầu. Khi địa phương hoàn tất đấu thầu, cơ sở y tế sẽ căn cứ vào đó để mua sắm, sử dụng. Tuy nhiên, có những địa phương chưa triển khai xong các công việc thuộc nhiệm vụ của mình, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư”, ông Dũng nói.