Thiếu cả cái thông thường nhất
Ngày 31/8, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên giải trình một số vấn đề trong đó có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh.
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, hầu hết các cơ sở y tế đều xảy ra tình trạng thiếu thuốc, ở các mức độ khác nhau.
Việc thiếu thuốc xảy ra tương đối nghiêm trọng trong năm 2022, thời điểm này chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu đối với danh mục thuốc tập trung cấp địa phương.
Người dân chờ đến lượt khám bệnh tại BVĐK Vùng Tây Nguyên |
Đến tháng 5/2023, Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Về cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, chủ yếu thiếu thuốc tập trung ở các mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu hoặc nhà thầu không tham gia như: Bupivacain, Lidocain...
Đối với danh mục do các cơ sở y tế tự đấu thầu, tình hình thiếu thuốc cục bộ xảy ra tại một số thời điểm, như chuyển tiếp giữa các gói thầu hoặc đấu thầu nhưng không lựa chọn được nhà thầu hoặc do nhà thầu cung ứng chậm, nhỏ giọt, hoặc giá thầu quá thấp các nhà thầu không tham gia.
Tại BVĐK Vùng Tây Nguyên, do phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, gây thiếu hụt một số loại thuốc, đặc biệt là Immune globulin, trong giai đoạn cao điểm dịch tay chân miệng.
Hiện một số bệnh viện hết số lượng rất nhiều mặt hàng phục vụ công tác thường quy như: Gạc 30x40; Ống đặt nội khí quản số 8; Dây Oxy 2 nhánh; Bao camera; Dung dịch rửa vết thương; Ống hút đờm; Dây máy thở; Mặt nạ Oxi; Cồn… và trong thời gian ngắn tới sẽ có thêm một số vật tư và hóa chất xét nghiệm hết số lượng sử dụng: Dây truyền dịch; kim luồn tĩnh mạch; catheter thận nhân tạo; Hóa chất sinh hóa, hóa chất huyết học, hóa chất sàng lọc máu...
Sẽ bỏ việc nếu phải tham gia công tác đấu thầu
Nói về nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Nay Phi La giải trình do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa bị gián đoạn, khan hiếm, giá cả biến động tăng. Sau dịch, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng cao, vượt quá khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở y tế.
Việc triển khai thực hiện các văn bản của trung ương còn nhiều khó khăn, nhất là Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế và Nghị định 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời với đó là trách nhiệm của các cơ quan thẩm định giá còn e ngại, sợ sai; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế...
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thừa nhận, rất khó để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay… Bởi thực trạng này xảy ra không chỉ riêng Đắk Lắk.
Theo Phó Chủ tịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh, rất thiếu nhân lực làm công tác thẩm định, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế. Nếu bắt buộc tham gia vào hội đồng thẩm định, cán bộ, nhân viên sẽ xin nghỉ việc. Thực tế, có nhiều cán bộ xin nghỉ việc, trong đó có lí do bị bắt buộc tham gia vào quá trình thực hiện đấu thầu.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh thiếu thuốc, vật tư y tế |
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh giao 2 đơn vị có danh mục sử dụng thuốc có thể bao phủ cho cả tỉnh thực hiện đấu thầu.
Cụ thể, giao BVĐK Vùng Tây Nguyên tổ chức đấu thầu thuốc đối với gói thầu thuốc generic thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương; và gói thầu thuốc generic thuộc danh mục đấu thầu cấp cơ sở cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Giao Bệnh viện Y học cổ truyền tổ chức đấu thầu thuốc đối với gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; gói thầu vị thuốc cổ truyền thuộc danh mục đấu thầu cấp cơ sở cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để giảm tải áp lực cho đơn vị đấu thầu là BVĐK Vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Y học cổ truyền, Sở Y tế chịu trách nhiệm thực hiện giai đoạn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu và giám sát, điều tiết quá trình thực hiện thỏa thuận khung.
Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2023, toàn ngành y tế có đến 149 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó 84 bác sĩ. Đối với số lượng bác sĩ thôi việc, đa số có trình độ sau đại học, làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm y tế tuyến huyện, là những nhân lực y tế chất lượng, có nhiều kinh nghiệm công tác.