Thứ trưởng Bộ Y tế: Mua sắm thiết bị y tế 'rất dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Y tế đưa ra nhiều lo ngại cùng các kiến nghị trước khi Kiểm toán nhà nước triển khai kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19.

Ngày 19/1, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Tại hội thảo, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị có khó khăn, giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương rất khó khăn khi mua sắm vì không có giá tham khảo phù hợp, "rất dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng".

Thứ trưởng Bộ Y tế: Mua sắm thiết bị y tế 'rất dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng' ảnh 1

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế mua sắm tập trung để đảm bảo tính thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, theo ông Thuấn, việc này rất rủi ro vì dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường nên việc từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua là rất khó khăn. Còn nếu Bộ Y tế mua sắm tập trung thì mặt hàng đó có thể không phù hợp với nhu cầu sử dụng của các đơn vị.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu số lượng thực tế không như kế hoạch thì rất rủi ro. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Y tế đề xuất xây dựng chính sách về kê khai giá trang thiết bị, đưa một số mặt hàng trang thiết bị vào danh sách hàng bình ổn giá; tăng cường phân cấp, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, trong tình huống “chống dịch như chống giặc”, việc mua sắm có thể có những thiếu sót về thủ tục hành chính, trong trường hợp đó cần xem xét đánh giá thận trọng, khách quan, không thể có đầy đủ hồ sơ như đấu thầu trong tình huống thông thường.

“Cần đánh giá khách quan về việc một số đơn vị không sử dụng hết trang thiết bị được đầu tư vì dịch bệnh diễn biến rất khó lường, phức tạp. Trường hợp không sử dụng hết cũng là may mắn vì dịch bệnh đã được kiểm soát, không quy kết là thất thoát, lãng phí”, ông Thuấn nêu.

Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng phải mang test, kit và nhân lực đến các địa phương xét nghiệm. Tuy nhiên, ông Thuấn cho biết, đến nay một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế vẫn chưa được các địa phương chi trả kinh phí mua test, kit xét nghiệm.

Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép Bộ Y tế được sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước giao cho phòng, chống dịch COVID-19 để cấp kinh phí cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chi mua test, kit xét nghiệm hỗ trợ các địa phương để tránh quyết toán chồng chéo.

Tuy nhiên, theo quy định thì các địa phương phải có trách nhiệm chi trả chi phí mua test, kit xét nghiệm cho các đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ xét nghiệm. “Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã có văn bản đòi một số địa phương nhưng một số địa phương do không còn nguồn lực nên không có kinh phí chi trả”, ông Thuấn chia sẻ.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, với quy mô và phạm vi kiểm toán lớn đặt ra như vậy sẽ có nhiều thách thức, áp lực trong việc triển khai thực hiện. Theo bà Hà, dịch bệnh diễn biến phức tạp, bất ngờ, công tác phòng chống dịch hết sức cấp bách, với nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác quy định và chưa có tiền lệ. Do vậy, kiểm toán cần đặt trong bối cảnh dịch bệnh bất thường, đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch, làm rõ hiệu quả các cơ chế chính sách cũng như làm rõ xem có việc cài cắm, trục lợi hay không.

“Việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh, xã hội, các chính sách hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân và người lao động, đối tượng thụ hưởng chính sách rất lớn, rộng khắp cả nước, tiềm ẩn nhiều rủi ro chi trả không đúng đối tượng, trùng lắp, không kịp thời hoặc không có cơ sở để chi trả. Kiểm toán nhà nước cần lựa chọn phương thức, nội dung kiểm toán phù hợp để đánh giá được hiệu quả chính sách trong khi nguồn lực có hạn”, đại diện Uỷ ban Tài chính Ngân sách lưu ý.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng đặc biệt lưu ý việc kiểm toán cần đặt trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc", với nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ được đưa ra nhằm kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Trong trường hợp phát hiện ra vi phạm, ông Cường mong muốn, kiểm toán cần làm rõ được yếu tố sai phạm do yếu tố khách quan trong bối cảnh chống dịch và các sai phạm có yếu tố trục lợi.

“Những vi phạm do năng lực, hay những khó khăn khách quan do dịch bệnh mang lại thì có thể thông cảm. Nhưng với những vi phạm do cố tình trục lợi sẽ phải xử lý nghiêm, thậm chí lợi dụng dịch bệnh để trục lợi còn là tình tiết tăng nặng”, ông Cường nêu rõ.

MỚI - NÓNG