Kiểm toán toàn bộ việc chi, tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022 là kiểm toán phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và toàn bộ việc chi, tiêu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Sáng 5/1, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022. Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh phương án kiểm toán linh hoạt theo hướng cắt giảm thời gian và quy mô, lùi hoặc hoán đổi thời gian triển khai các cuộc kiểm toán tại địa phương có dịch, qua đó giảm thiểu ảnh hưởng đến các đơn vị được kiểm toán, nhưng chất lượng kiểm toán vẫn đảm bảo.

Lãnh đạo Quốc hội cũng đánh giá cao con số kiến nghị xử lý tài chính với hơn 67 nghìn tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, thay thế 130 văn bản. Đây cũng là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước có ý kiến trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia – cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.

Kiểm toán toàn bộ việc chi, tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh Như Ý

“Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định vị thế của mình, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Báo cáo kiểm toán trở thành nguồn cung cấp thông tin chính xác, tin cậy cho các đại biểu Quốc hội và HĐND địa phương trong phân tích và đánh giá tình hình kinh tế- xã hội trong xây dựng chính sách và trong hoạt động giám sát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đáng lưu ý là, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán chưa cao, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, không chỉ do chủ quan mà còn có nguyên nhân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chấp hành pháp luật tài chính, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước, việc xử lý chưa nghiêm minh.

“Nhìn thành tích của Kiểm toán Nhà nước, chúng ta rất mừng nhưng cũng chạnh lòng, tại sao sai phạm lại xảy ra trên diện rộng như vậy? Do ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hay vì nguyên nhân nào khác?”, ông Hải đề nghị làm rõ nguyên nhân để khắc phục được tình trạng này.

Tán thành với chủ đề công tác năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội lưu ý, phải thực hiện nhiệm vụ năm đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí hiệu quả. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phải bám sát chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và gói chính sách tài khoá, tiền tệ dự kiến được Quốc hội thông qua tới đây, để thực hiện kiểm toán, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và các doanh nghiệp.

Đồng thời, ngành Kiểm toán cần ưu tiên triển khai các đoàn kiểm toán phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tập trung thời gian, nhân lực các vấn đề nổi bật, thời sự được Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm; kịp thời cung cấp thông tin, kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán.

Kiểm toán toàn bộ việc chi, tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh. Ảnh Như Ý

Phát biểu sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm nay thấp hơn mọi năm, do tình hình COVID-19, nhiều đơn vị đã chủ động xin lùi lại, song cũng có đoàn đang triển khai, đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị rồi. Tới đây, phải làm sao giám sát được hiệu quả việc thực hiện kết luận kiểm toán. Lý do kiến nghị xử lý nhiều, theo ông Thanh, ở đây có lỗi do công tác điều hành chứ hoàn toàn không chỉ do lỗi chủ quan.

Về nhiệm vụ năm tới, Tổng Kiểm toán cũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm là kiểm toán việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống COVID-19 và các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt, các hoạt động kiểm toán liên quan đến việc chi, tiêu cho phòng, chống dịch bệnh, sẽ phối hợp tổng thể, cố gắng có báo cáo gửi Quốc hội trong kỳ họp tới.

Kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ cho biết, năm 2021 ngành đã lựa chọn nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời thực hiện thí điểm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách cấp tỉnh độc lập tại Lai Châu, Quảng Ngãi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, năm 2021 không kiểm toán đối với toàn ngành y tế; tại các tỉnh đang có dịch không kiểm toán các đơn vị làm nhiệm vụ tuyến đầu. Trong năm, có 37 đoàn kiểm toán không triển khai thực hiện, trong đó 10 đoàn chuyển sang thực hiện trong năm 2022; 71 đoàn điều chỉnh giảm thời gian kiểm toán, 48 đoàn điều chỉnh giảm đầu mối so với phương án được duyệt.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 15/12/2021 đối với 154 báo cáo kiểm toán đã phát hành, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 67.055 tỷ đồng, trong đó tăng thu 7.486 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 10.221 tỷ đồng và kiến nghị khác 43.895 tỷ đồng. Ngoài ra, kiểm toán cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật không phù hợp…

Kiểm toán toàn bộ việc chi, tiêu trong phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh

Trong năm, Kiểm toán đã chuyển điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế của Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết. Ngoài ra, Kiểm toán đã cung cấp 265 báo cáo và các tài liệu có liên quan cho các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh, kiểm tra bộ ngành, địa phương xử lý trùng lặp, chồng chéo, giảm thiểu việc gây phiền hà, ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán.

Kế hoạch kiểm toán năm 2022 được xây dựng với 179 chủ đề kiểm toán gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, nhiều chủ đề kiểm toán lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách, những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại hội nghị, lãnh đạo Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trao Huân chương của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân.

MỚI - NÓNG