Chiều 8/9, tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 8, ASOSAI và trạng thái bình thường mới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã thông tin về kết quả kiểm toán môi trường giai đoạn 2018- 2021.
Trong giai đoạn 2018 - 2021, Kiểm toán Nhà nước đã đưa vào kế hoạch thực hiện trên 32 cuộc kiểm toán. Trong đó đã triển khai 8 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, như: kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông (LVS) Mê Công gắn với các mục tiêu phát triển bền vũng…
Cùng với đó là 21 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính có lồng ghép yếu tố môi trường, như kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các dự án môi trường, phát triển bền vững; dự án đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, các dự án cải thiện môi trường nước...; 3 cuộc kiểm toán môi trường khác dự kiến sẽ được thực hiện trong quý IV năm 2021, trong đó có 1 cuộc kiểm toán với quy mô toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
“Các chủ đề kiểm toán nói trên đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực môi trường được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm, đồng thời đã được Kiểm toán Nhà nước ra soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện”, Kiểm toán Nhà nước cho hay.
Từ kết quả thu được, Kiểm toán Nhà nước đã thường xuyên đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.
Tại cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị với Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam nghiên cứu, có ý kiến với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế xem xét xây dựng, ban hành các văn bản, hướng dẫn kỹ thuật về giám sát tài nguyên nước trên dòng chính và dòng nhánh, xác định ngưỡng dòng chảy tối thiểu… nhằm đóng góp tiếng nói trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước sông Mê Kông một cách bền vững, công bằng và hài hòa giữa các quốc gia trong lưu vực.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham dự Hội nghị chuyên đề lần thứ 8, ASOSAI và trạng thái bình thường mời. Ảnh: Như Ý |
Cũng thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ xem xét, có biện pháp giải quyết kịp thời đối với các rủi ro ô nhiễm môi trường có thể phát sinh, như việc áp dụng một số công nghệ xử lý rác thải chưa thân thiện với môi trường; việc xử lý tro xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện và phế liệu tồn đọng tại một số cảng biển...
“Những kết quả trên đã góp phần thắt chặt công tác quản lý, tăng cường kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay từ khâu cấp phép ban đầu, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, điều kiện về bảo vệ môi trường cần thiết trước khi được phép xây dựng, vận hành cũng như giảm thiểu tối đa các tác động, ảnh hưởng tiêu cực của chất thải tới môi trường trong quá trình hoạt động”, Kiểm toán Nhà nước cho hay.
Trong thời gian tới, cơ quan kiểm toán sẽ hoàn thiện việc lựa chọn chủ đề kiểm toán, xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn 2022 - 2024, trong đó tiếp tục chú trọng vào các chương trình, dự án, nhiệm vụ về phát triển bền vững hoặc các vấn đề môi trường “nóng” được xã hội quan tâm. Đồng thời nghiên cứu, lựa chọn một số chủ đề kiểm toán mới để đưa vào kế hoạch thực hiện như ô nhiễm không khí, năng lượng xanh, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…