Ngày 25/5, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TPHCM cho biết, sau 10 ngày nhập viện với chẩn đoán bị ngộ độc Botulinum từ món mắm để lâu ngày, bệnh nhân nam 45 tuổi đã tử vong tối 24/5. Thời điểm bệnh nhân ngộ độc, thuốc giải độc BAT tại Việt Nam đã cạn kiệt.
Không được sử dụng thuốc giải độc sớm khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng yếu liệt chân tay, liệt cơ hô hấp. Biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ khiến bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị triệu chứng với hy vọng giúp bệnh nhân phục hồi và chờ thuốc giải. Khi Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẩn cấp viện trợ thuốc giải độc (tối 24/5) thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng quá nặng, không còn khả năng cứu chữa.
Thuốc hiếm giải độc Botulinum được WHO hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam Ảnh: Vân Sơn |
Ngoài trường hợp trên, 2 bệnh nhân khác bị ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đang trong tình trạng nặng, phải lệ thuộc vào máy thở. Sau khi tiếp nhận thuốc giải độc từ WHO, bệnh viện đã nhanh chóng đánh giá tình trạng của 2 bệnh nhân và chỉ định sử dụng thuốc giải độc.
Tuy nhiên, theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc điều trị bằng thuốc giải độc muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của bệnh nhân. “Một trường hợp được chẩn đoán ngộ độc Botulinum nếu sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và không cần phải thở máy. Nếu sử dụng thuốc giải khi bệnh nhân thở máy 1 đến 2 ngày sau khi ngộ độc, thì sẽ mất cả tuần để bệnh nhân cai được máy thở”.
2 bệnh nhân đang điều trị tại Chợ Rẫy đã bị ngộ độc hơn 10 ngày, tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Do đó, các bác sĩ chưa thể đánh giá được khả năng bình phục cũng như di chứng mà các bệnh nhân có thể phải đối mặt dù đã có thuốc giải độc.
Được biết, 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là anh em ruột, ngụ tại thành phố Thủ Đức, ngộ độc Botulinum vào ngày 13/5 sau khi ăn món giò lụa bán dạo với bánh mì. Theo thông tin từ Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) tốn khoảng 5 triệu đồng. 2 bệnh nhân này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình không thể cùng lúc lo được viện phí cho cả 2 con. Hiện phòng công tác xã hội đang vận động mạnh thường quân giúp đỡ viện phí cho 2 ca bệnh trên.
Nguồn cung hạn chế
Ngày 25/5, trả lời phóng viên báo Tiền Phong về tình trạng thiếu thuốc hiếm nói chung và thuốc giải độc Botulinum nói riêng và giải pháp khắc phục, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có (theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế) quy định về danh mục thuốc hiếm.
Theo danh mục thuốc hiếm, hiện nay TPHCM đang thiếu nhiều loại thuốc gồm: thuốc nhỏ mắt Atropin (Bệnh viện Mắt); thuốc uống Acitretin (Bệnh viện Da liễu); thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (Bệnh viện Da liễu); thuốc tiêm Mitoxantrone (Bệnh viện Truyền máu Huyết học); thuốc tiêm Idarubicin (Bệnh viện Truyền máu Huyết học); thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate (Bệnh viện Truyền máu Huyết học). “Các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Ngoài ra, thành phố không có sẵn các thuốc cấp cứu như các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra” - bà Quỳnh Như nói.
Cũng theo bà Quỳnh Như, đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. “Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiếm, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc cấp quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước. Ngành y tế TPHCM mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế”, bà Quỳnh Như nói.
“6 lọ thuốc giải độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được WHO viện trợ khẩn cấp về đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 19 giờ ngày 24/5/2023. Những lọ thuốc hiếm đã phân bổ về các bệnh viện phục vụ cho công tác cứu chữa người bệnh. Thật đáng tiếc khi đã có một bệnh nhân bị biến chứng nặng và quá thời gian chỉ định dùng thuốc giải độc nên không qua khỏi. Ngành Y tế TPHCM trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân sâu sắc đến Bộ Y tế cùng WHO về sự hỗ trợ đầy ý nghĩa đối với các trường hợp ngộ độc Botulinum toxin trên địa bàn thành phố”, Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM