Trước đó, nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể khiến các bệnh truyền nhiễm nguy cơ bùng phát trên phạm vi rộng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao. “Chúng ta thiếu vắc xin 5 trong 1 từ tháng 2, thiếu vắc xin DPT từ tháng 4, hầu hết loại còn lại cung ứng đến tháng 10. Chúng tôi ghi nhận thiếu vắc xin trên quy mô toàn quốc”, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) nói. Đồng thời bà Hồng cho biết thêm, trong giai đoạn 2016-2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước.
Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế |
Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vắc xin, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể, dự kiến hoàn thành trong tháng 12. “Ngay sau khi có giá vắc xin, chúng tôi sẽ khẩn trương kí các hợp đồng cung ứng vắc xin. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có cơ số vắc xin nhất định để giao ngay khi hoàn tất các thủ tục tài chính”, bà Hồng thông tin thêm.
Để sớm bảo vệ trẻ em phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1, Bộ Y tế đã nỗ lực để vận động các nguồn tài trợ. Tháng 7, Bộ y tế đã nhận được hơn 250.000 liều, tối qua tiếp tục nhận 490.600 liều vắc xin 5 trong 1. Vắc xin nhận viện trợ để tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tháng tuổi nên bộ sẽ triển khai tiêm sớm cho trẻ.
“Ngay sau khi có giá vắc xin, chúng tôi sẽ khẩn trương kí các hợp đồng cung ứng vắc xin. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có cơ số vắc xin nhất định để giao ngay khi hoàn tất các thủ tục tài chính”.PGS.TS Dương Thị Hồng
TS. Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, quản lí, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương, tuy nhiên gặp khó khăn trong bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...”. Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo kinh phí mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trả lời câu hỏi vì sao cùng một cơ chế chính sách về đấu thầu, mua sắm thuốc nhưng có cơ sở đã mua được, nhiều nơi lại chưa mua được, bộ Y tế cho biết, việc này không phải do văn bản hướng dẫn của Bộ và cũng không phải do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.
Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong năm 2022-2023, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã tổ chức và phê duyệt kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với 100 thuốc. Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả đàm phán giá đối với 64 thuốc biệt dược gốc. Theo Bộ Y tế, với thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế. Do đó, Bộ Y tế nhận định, kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã góp phần giúp ổn định tình hình cung ứng thuốc tại các địa phương.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế), khẳng định: "Hiện nay, về cơ bản có thuốc trên thị trường, không thể thiếu được vì các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn đã được ban hành. Hiện, Cục đang phối hợp với các tổ chức khác để sửa đổi bổ sung nhiều nội dung liên quan Luật Đấu thầu để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế. Dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành 2 thông tư liên quan”.