Giữa giông gió Hoàng Sa

Tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 đâm vào mạn trái tàu kiểm ngư HP-926 của Việt Nam. Ảnh: Công Khanh
Tàu lai dắt đẩy ủi Hữu Liên 9 đâm vào mạn trái tàu kiểm ngư HP-926 của Việt Nam. Ảnh: Công Khanh
TP - Chuyến tàu đưa chúng tôi ra Hoàng Sa lần này đã vô cùng khó khăn và nguy hiểm hơn những lần trước. Nhổ neo từ cảng Đà Nẵng lúc 18h ngày 11/6, tàu CSB 2016 đưa chúng tôi tiến ra khu vực giàn khoan Hải dương 981. Trời bắt đầu nặng mây, Hoàng Sa đang bị áp thấp nhiệt đới, sóng gió dữ dội…

Tàu CSB 2016 tải trọng 250 tấn có vẻ “quá tải” với lượng “khách” nhiều hơn quân số của tàu. Con tàu “thấp bé nhẹ cân” này từ 17h chiều ngày 11/6 đã tả xung hữu đột giữa vòng vây tàu Trung Quốc, áp sát giàn khoan để bảo vệ các tàu kiểm ngư Việt Nam. 

Tàu bị đâm thủng 4 lỗ ở sát mép nước, nước tràn vào. Thuyền viên Bùi Quốc Huy kể: Anh em phải lấy mền, tháo giường ngủ ra để lấy cây chống, bịt lỗ rò. Sau khi vá xong mới lên đường.

Đây là chuyến ra thực địa giàn khoan lần thứ 3 cho giới truyền thông, nhưng là lần đầu tiên, sóng gió thực sự dữ dội giữa Hoàng Sa. Biển động, sóng lừng, mưa lớn tạt ướt cả buồng lái. Sóng nhồi lắc dữ dội, chỉ lát sau, đã nghe trên loa tàu tiếng của thuyền trưởng trẻ Quản Đình Dương: “Yêu cầu anh em lấy ra gấp 2 chiếc thau nhôm để “khách”… giải quyết. Nhưng không còn kịp nữa. Bữa cơm chiều muộn đã trả hết xuống biển. Đêm đầu tiên hành trình ra Hoàng Sa, giường chiếu chăn gối, anh em thuyền viên nhường hết cho khách, tất cả trải chiếu ra sàn tàu thay nhau ngả lưng.

Sáng sớm, tôi lên boong trước của tàu, mong tìm một cơn gió để đưa cơ thể trở về trạng thái bình thường. Sân boong ướt sũng, trơn trượt. Có 1 người còn dậy sớm hơn tôi. Võ Trung Dung – phóng viên của đài TV 5 (Pháp).

Người đàn ông trung niên gốc Sài Gòn, là nhà báo tác nghiệp tại nhiều điểm nóng trên toàn thế giới này có sức chịu đựng dẻo dai lạ thường. Hai cốc cà phê giữa sóng biển ầm ào chao lên chao xuống, bắn cả từng giọt xuống trùng khơi, mãi chúng tôi mới được nếm. Nhớ mấy hôm trước, đọc trên Facebook của Tiến sĩ  Trần Đức Anh Sơn, kể rằng, vừa bị nhóm nhà báo Pháp, gồm TV 5, Radio France, báo Le Monde… trong một cuộc phỏng vấn về các tư liệu Hoàng Sa của Việt Nam. 

Một cuộc chất vấn đúng nghĩa chứ không phải là phỏng vấn. Rốt cuộc, sau cuộc phỏng vấn toát mồ hôi hột ấy với Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, những nhà báo Pháp mới tỏ ra hài lòng, tin tưởng vào sự thật đầy thuyết phục của Việt Nam về các bằng chứng về chủ quyền của Hoàng Sa – Trường Sa. 

Bây giờ, nhóm nhà báo ấy, cả Le Monde, TV5… đều đang là “khách” trên chuyến hải trình đặc biệt giữa sóng gió này. Nhắc lại chuyện này với Võ Trung Dung, anh cười: “Nhà báo quốc tế là vậy đó. Khi phỏng vấn, bao giờ họ cũng bắt anh phải làm sáng tỏ được hết mọi vấn đề, người được phỏng vấn phải thuyết phục được họ trước đã”.

Mưa lớn, gió mạnh dần trên boong, anh chàng Muroi Yusaku (kênh truyền hình CBS – Nhật Bản) vẫn nán lại cùng tôi. Từ rất xa, xuất hiện một chấm sáng nhỏ ở trên đường chân trời mờ ảo. Yusaku chỉ tay hỏi tôi: “China?”. 

Tôi bảo: “Chắc là không vì chưa đến khu vực giàn khoan. Có thể đó là 1 tàu hàng”. Quả nhiên đó là con tàu chở hàng khổng lồ, đang trên hải trình quốc tế. Một hình ảnh bình thường quen thuộc mà việc đặt giàn khoan trái phép cùng những động thái căng thẳng đơn phương của Trung Quốc rất có thể sẽ cản trở nghiêm trọng việc này. 

Gần trưa ngày 12/6, khi còn cách vị trí giàn khoan Hải Dương 981 khá xa, đã nghe  tiếng thuyền trưởng Quản Đình Dương, thông báo: “Phát hiện tàu tên lửa hộ vệ của Trung Quốc bên mạn trái của tàu 2016”. Lập tức các nhà báo đổ xô ra boong ghi hình. Tàu chao nghiêng giữa mưa gió.

Đến trưa 12/6 việc chuyển đoàn nhà báo sang các tàu CSB, Kiểm ngư để tác nghiệp là vô cùng khó khăn vì giông gió trên biển quá lớn. Từng đợt sóng cao 4 -5m bủa vây. Cuối cùng, việc hạ thủy ca nô từ tàu CSB 2016 cũng hoàn thành. Đích thân thuyền phó Mai Văn Trực cầm lái ca nô chở 4 nhà báo trong nước cùng quà tặng và hàng hóa sang các tàu CSB 2013 và KN 635. 

Tuy nhiên, ngay sau đó, việc vận chuyển tiếp người và hàng buộc phải dừng lại vì sóng quá dữ dội. Các tàu án binh bất động. Đêm 12/6, ai nấy mệt phờ, thế nhưng, hơn 20h tối, trên boong tàu 2016, ướt sũng và gió giật, Muroy Yusaku và các nhà báo quốc tế Pháp dù say sóng lử đử vẫn bò ra ngoài khoang, chỉnh hướng thiết bị vệ tinh, để truyền phát hình ảnh. 

Anh Võ Trung Dung kể: “Nhà báo nước ngoài trong đoàn tâm sự họ không sợ khó khăn nguy hiểm mà chỉ nôn nóng sớm được tiếp cận vào sâu hơn khu vực giàn khoan để tác nghiệp”.

Sáng 13/6, mưa ngớt dần, sóng biển có vẻ dịu hơn. Tranh thủ thời tiết dịu êm, các tàu áp sát nhau thành đội hình. Canô từ tàu CSB 4032 cơ động hạ thủy đưa toàn bộ phóng viên, hàng hóa sang các tàu CSB, kiểm ngư còn lại. Sau hơn 1 giờ, cán bộ chiến sĩ 4032 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Cũng cần nhắc lại, ngày 13/5, đúng cách đây 1 tháng, tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 chừng 5,5 hải lý. Dưới sự chỉ huy của thiếu tá Hoàng Quốc Đạt – Hải đội trưởng, hải đội 201 và thuyền trưởng Vũ Trọng Huân, tàu CSB 4032 bị 2 tàu Trung Quốc số hiệu 2028, 40001 áp sát, uy hiếp húc gãy lan can.

Chuyến hải trình khó khăn và nguy hiểm của chúng tôi mới thực sự bắt đầu từ đây… Phóng viên Tiền Phong sẽ tiếp tục tường thuật đến bạn đọc những diễn biến mới nhất ở Hoàng Sa.              

“Chiều 13/6, phóng viên Tiền Phong đã mang món quà 18 triệu đồng do bạn đọc gửi trực tiếp cho cán bộ chiến sĩ tàu 4032. Cụ thể: Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng – An ninh 61 đóng góp 13 triệu. Ngoài ra, thầy thuốc Khămphết Lào (con trai vua voi AMa Kông ở xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột) gửi 5 triệu thông qua báo Tiền Phong. Thay mặt chỉ huy tàu, thượng úy Trần Quang Vững – chính trị viên 4032 cảm ơn tình cảm của bạn đọc Tiền Phong và hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ chủ quyền”.   

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.