Giữa căng thẳng với Nga, Mỹ củng cố kho vũ khí tại châu Âu

Giữa căng thẳng với Nga, Mỹ củng cố kho vũ khí tại châu Âu
TPO - Việc Mỹ củng cố kho vũ khí tại châu Âu trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Nga ngày càng căng thẳng xung quanh một loạt vấn đề từ Syria, trang bị vũ khí trên không gian tới Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 là động thái hết sức đáng chú ý.

Mỹ củng cố kho vũ khí tại châu Âu

Theo TASS (Nga), Mỹ vừa triển khai một số lượng khí tài quân sự cực lớn tới châu Âu kể từ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu là Mỹ tiến hành không kích vào Liên bang Nam Tư hồi năm 1999.

Động thái trên của Washington nằm trong khuôn khổ chiến dịch mang tên “Quyết tâm Hoạt động Đại Tây Dương của Mỹ”.

Theo kế hoạch, Mỹ dự kiến triển khai 30 tiểu đoàn, 30 phi đội máy bay và 30 tàu chiến trong vòng 30 ngày tại "sườn phía Đông" của NATO.

Đây là một loạt hoạt động nhằm hiện đại hóa và cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự bao gồm sân bay, cảng biển, ga đầu mối, kênh đào và đường sá với trọng tâm chủ yếu tập trung tại các quốc gia Đông Âu, nhất là tại Ba Lan và các quốc gia Baltic.

Trước đó, hôm 19/10, lực lượng Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường châu Âu (USAE) đã chính thức thông báo về kế hoạch triển khai quy mô lớn các lữ đoàn tăng thiết giáp và không lực tại châu Âu nhằm hỗ trợ chiến dịch Atlantic Resolve.

Theo kế hoạch Mỹ sẽ triển khai hơn 5.400 binh sĩ vào cuối tháng 1/2019 và đầu tháng 2/2019, 85 xe tăng Abrams, 135 phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley, 15 pháo tự hành Paladin, 50 trực thăng UH-60 và HH-60, 10 trực thăng vận tải CH-47 Chinook, 20 trực thăng tấn công AH-64 Apache và hơn 1.500 loại thiết bị quân sự khác.

Hoạt động tác chiến của Mỹ tại châu Âu chủ yếu được thực hiện bởi lực lượng USAE. Kể từ tháng 4/2014, USAE đã liên tục tăng cường triển khai các lực lượng nhằm thực hiện công tác huấn luyện và hợp tác về an ninh với các đồng minh tại Trung và Đông Âu.

Thực hiện ý đồ ngăn chặn Nga

Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ củng cố kho vũ khí tại châu Âu trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với Nga ngày càng căng thẳng xung quanh một loạt vấn đề từ Syria, trang bị vũ khí trên không gian tới Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 là nhằm ngăn chặn Nga, cũng như khả năng chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai.

Nhà phân tích chiến lược Igor Korotchenko, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga) cho rằng, động thái này của Mỹ là một tín hiệu cho thấy Washington đang cân nhắc nghiêm túc khả năng phát động chiến tranh ở châu Âu. Vì lì lẽ đó, họ đã bắt đầu củng cố kho vũ khí quân sự.

“Chuyển giao lượng lớn khí tài tới châu Âu gắn với khả năng giao phó cho Không quân Mỹ thực hiện các nhiệm vụ quân sự. Nhằm chống lại ai? Rõ ràng chỉ có một đối thủ ở đây, Liên bang Nga”, ông Igor Korotchenko nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ biên tạp chí Kho vũ khí Tổ quốc (Nga), ông Viktor Murakhovsky nhận định, một loạt các động thái tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu phù hợp với chiến lược của Mỹ nhằm răn đe Nga.

Trước đó, NATO cho biết việc tăng cường hiện diện quân sự tại các khu vực giáp biên giới với Nga là biện pháp phòng vệ, đồng thời lấy sự kiện bán đảo Crimea hồi năm 2014 và cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine để lý giải cho hành động của khối quân sự do Mỹ đứng đầu này.

Nga coi chiến lược của NATO đang đe doạ tới cân bằng an ninh tại châu Âu. Hiện Nga đã đáp trả bằng cách triển khai các loại vũ khí tối tân tới các khu vực biên giới phía Tây của nước này, đồng thời tổ chức một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn trong thời gian qua.

MỚI - NÓNG