INF cản trở kế hoạch thống trị của Washington
Nhận định về tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga – ông Sergey Ryabkov cho biết: “Dường như INF đã khiến Washington gặp khó khăn trong kế hoạch theo đuổi ngôi vị thống trị về quân sự.”
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, theo ông Ryabkov, là một động thái rất nguy hiểm.
“Điều này chắc chắn sẽ bị lên án mạnh mẽ bởi cộng đồng quốc tế, bởi những quốc gia luôn đề cao sự an ninh - ổn định và luôn sẵn sàng hợp tác để tăng cường kiểm soát vũ khí.”
Tuyên bố của ông Trump chỉ là lời đe dọa
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, Trưởng Ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev cho biết: “Điều 15 của INF có đề cập tới việc đơn phương rút khỏi hiệp ước này, nhưng phải trong hoàn cảnh đặc biệt, và lí do đưa ra phải được chứng minh trong vòng 6 tháng. Cho đến nay, vẫn chưa có động thái chính thức nào. Điều này là cơ sở cho thấy tuyên bố của ông Trump giống với một lời đe dọa hoặc hành động thực sự.”
Kosachev cảnh báo việc Mỹ rời bỏ Hiệp ước INF có thể sẽ gây ra một cuộc chiến. Do đó, ông kêu gọi nhóm họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về “tình hình nghiêm trọng” này.
“Các cuộc họp nên được tổ chức giữa bốn cường quốc hạt nhân (không có Mỹ), đồng thời cần có một cuộc thảo luận tại Hội nghị Giải trừ vũ khí Geneva và một cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”, ông Kosachev viết.
“Giờ đây, các đồng minh phương Tây của Mỹ cần lựa chọn: một là đi theo con đường tương tự Washington – điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến mới, hoặc tuân theo số đông. Họ phải tự đánh giá dựa trên bản năng sinh tồn. Bởi hầu như sẽ không có ai còn sống sót sau xung đột hạt nhân. Mà mối đe dọa này lại đang đến gần sau quyết định đơn phương của Mỹ về INF.”
Cũng theo ông Kosachev, các cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước INF đều “rất mơ hồ”. Trong khi các cáo buộc ngược lại của Nga thì lại khá cụ thể, ví dụ như việc lá chắn tên lửa được triển khai ở Ba Lan và Romania.
Theo ông Kosachev, các tuyên bố của Mỹ về “hành động vi phạm INF của Nga” chưa từng được xác nhận bởi các chuyên gia thuộc Ủy ban Xác minh đặc biệt.
Mỹ đang lôi kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang
Thành viên Ủy ban Liên bang Nga về an ninh quốc phòng ông Frant Klintsevich cho rằng việc Mỹ đe dọa rút khỏi INF “không phải chuyện bất ngờ”, thậm chí, đây còn là động thái cho thấy Washington đang tìm cách lôi kéo Moscow vào một cuộc chạy đua vũ trang.
“Rõ ràng Mỹ không có bằng chứng cho thấy Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước. Quyết định của ông Trump được đưa ra mà không tính đến lợi ích của các đồng minh ở châu Âu”, ông Klintsevich nói. “Họ muốn lôi kéo chúng ta vào một cuộc chạy đua vũ trang, giống như những gì đã xảy ra trước kia với Liên bang Xô Viết.
Tuy nhiên, việc này sẽ không có tác dụng. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng tự đảm bảo an ninh của nước Nga trong mọi tình huống.”
Mỹ đang mơ về thế giới đơn cực
Đây là nhận định được đưa ra bởi một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga.
“Nga quá quen với việc Mỹ muốn phá hủy Hiệp ước INF. Mỹ từng muốn làm điều này suốt nhiều năm. Quyết định này phù hợp với con đường mà Mỹ theo đuổi – rút khỏi các thỏa thuận pháp lý quốc tế mà áp đặt nghĩa vụ ngang nhau lên các bên, làm cho khái niệm về “sự ngoại lệ” của Mỹ bị ảnh hưởng. Động lực chính của họ là giấc mơ về một thế giới đơn cực. Nhưng nó có thể trở thành hiện thực không? Không!”, nguồn tin nhận định.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi INF vì Nga đang vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Ông đồng thời không loại trừ khả năng ký một hiệp ước khác về vũ khí hạt nhân tầm trung với Moscow và Bắc Kinh nếu Nga và Trung Quốc đảm bảo ngừng sản xuất các loại vũ khí này.
Mỹ lần đầu cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF hồi tháng 7/2014. Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc tương tự, và bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ hiệp ước của Mỹ.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô kí kết vào ngày 8/12/1987 tại Washington.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).