Rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ khởi động cuộc chạy đua vũ trang mới

Nga cảnh báo sự nguy hiểm của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Ảnh: Tass
Nga cảnh báo sự nguy hiểm của việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Ảnh: Tass
TPO - Điện Kremlin tin rằng, việc rời bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới. 

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định, để đối phó với việc Washington rút khỏi Hiệp ước INF, Moscow sẽ cân nhắc nghiêm túc việc đảm bảo an ninh quốc gia của Nga.

"Đây là động thái vô cùng nguy hiểm, là một tuyên bố về ý định của Mỹ về việc tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang, tăng cường tiềm lực quân sự, vũ khí", ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh "điều này sẽ làm cho thế giới nguy hiểm hơn."

"Bạn biết đấy - chúng tôi đã nói về điều này ở nhiều cấp độ khác nhau. Tổng thống Putin đã nói về điều đó, tất nhiên, chúng tôi nghĩ về lợi ích quốc gia của chúng tôi và về các vấn đề an ninh quốc gia của Liên bang Nga", Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nói.

Tại cuộc hội đàm với cố vấn an ninh Mỹ John Bolton hôm 23/10, Tổng thống Nga Putin cho biết: "Theo như chúng tôi hiểu, phía Mỹ đã đưa ra quyết định và trong tương lai gần sẽ chính thức kích hoạt quy trình rút khỏi Hiệp ước INF".

 Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/10 tiếp tục đưa ra cảnh báo trong trường hợp Mỹ đưa tên lửa tầm ngắn và tầm trung đến châu Âu thì Moscow buộc phải đáp trả một cách tương xứng.

 Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Tổng thống Putin nêu rõ: "Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và trung (INF) thì vấn đề quan trọng nhất là người Mỹ sẽ làm gì với các loại tên lửa này. Nếu chúng được đưa đến châu Âu, tất nhiên, Nga cần phải đáp trả một cách tương xứng." 

Trước đó, hôm 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, Hiệp ước được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).

Theo Theo Tass
MỚI - NÓNG