“Gieo” điện, gặt mùa vàng

Dùng hệ thống hút điện để đưa lúa tươi vào lò sấy tại cơ sở sấy lúa Ba Đèo. Ảnh: Đại Dương
Dùng hệ thống hút điện để đưa lúa tươi vào lò sấy tại cơ sở sấy lúa Ba Đèo. Ảnh: Đại Dương
TP - Đến vùng Đồng Tháp Mười thời điểm này, trên các cánh đồng lúa bạt ngàn hầu như chỉ còn lại gốc rạ. Nhiều nơi nước lũ đổ về ngập trắng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc người dân vùng bưng biền này chuẩn bị làm đất gieo trồng vụ mới.

Tăng vụ và năng suất lúa nhờ điện


Ông Trần Văn Năm - Phó chủ tịch UBND xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, từ năm 2009, khi điện kéo về đầy đủ, nhiều hộ cá thể hoặc hợp tác xã đầu tư phát triển trạm bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa. Đến nay, cả xã có 11 trạm bơm, đủ sức tưới tiêu đến 96% diện tích canh tác của xã.

Các trạm bơm điện đã giúp người dân hoàn toàn chủ động trong việc đưa nước vào ruộng khi nắng hạn và rút nước ra khi mưa lũ cũng như rửa chua đồng ruộng. Nhờ vậy, thay vì chỉ sản xuất 1 đến 2 vụ như trước, người dân đã nâng lên 3 vụ mỗi năm.

Ông Ngô Việt Hải (60 tuổi) chủ một trạm bơm có công suất 66 kW tại ấp 2 (xã Tân Kiều), cho biết, trạm bơm của ông tưới tiêu cho 160 ha lúa. Ngoài tưới tiêu cho bà con trong vùng, ông Hải còn tưới tiêu cho chính ruộng nhà mình. “Nhờ có nước đầy đủ nên lợi nhuận từ làm lúa đạt đến 50-60%”- ông Hải cho biết.

Theo ông Lê Văn Quân - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Tam Nông, Đồng Tháp), chi phí bơm điện bình quân 30 kg lúa/công (công =1.000 m2), trong khi bơm dầu chi phí lên đến 40 kg lúa/công. Điện không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giúp tăng năng suất nhờ có nước đầy đủ và tăng sản lượng nhờ tăng vụ.

Cụ thể, nếu bơm dầu, năng suất lúa chỉ đạt 6 tấn/ha, trong khi bơm điện đạt 6,5 tấn/ha. Sản lượng lúa cả ba vụ đạt ít nhất 20 tấn/ha, trong đó vụ Đông - Xuân trên 10 tấn/ha. Riêng vụ ba, sản lượng có thấp hơn nhưng do diện tích gieo trồng ở các nơi đều ít so với hai vụ trước nên lúa thu hoạch được giá, người dân rất phấn khởi.

Tổng vốn đầu tư cho lưới điện nông thôn tỉnh Đồng Tháp là 790 tỷ đồng, cấp điện cho khoảng 300 nghìn hộ dân. Từ năm 2003 đến 2013, Công ty Điện lực Đồng Tháp xóa được 1.159 điện kế tổng, chuyển bán điện trực tiếp cho 131.431 hộ dân, đồng thời phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc đưa điện về nông thôn. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nông thôn.

Tháp Mười, Tam Nông… là những huyện sản xuất lúa trọng điểm của cả vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn. Đây cũng là vùng có năng suất lúa cao nhất nước, có khi lên đến 12 tấn/ha.

“Nếu không có điện, sản xuất nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười này không thể nào đạt hiệu quả cao như hiện nay” - Phó chủ tịch Trần Văn Năm khẳng định.

Mặc dù thuộc vùng sâu, vùng xa, song lưới điện không chỉ phủ đến khắp các khu dân cư, mà còn kéo đến từng khu vực ruộng đồng để giúp người dân phát triển hệ thống tươi tiêu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Giang - Giám đốc Điện lực Tháp Mười (Công ty Điện lực Đồng Tháp) cho biết toàn huyện Tháp Mười có 124 trạm bơm với tổng công suất 850 kVA, tưới tiêu cho 35.000 trong tổng số 38.000 ha canh tác của huyện, đạt tỷ lệ 95%. Ông Đặng Thành Công - Giám đốc Điện lực Tam Nông cũng cho biết, cả huyện có 270 trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, phủ kín đại đa số diện tích đất canh tác trên địa bàn.

Giải phóng sức lao động

Từ một người làm thuê đến từ Bến Tre, ông Ba Đèo (Mai Văn Đèo) đã trở thành chủ một cơ sở sấy lúa ở ấp 3, xã Tân Kiều (huyện Tháp Mười). Ông Ba Đèo kể, tôi nhận thấy lúa của bà con trong vùng gặt về không có chỗ phơi, để dồn đống khiến chất lượng bị giảm, lại bị thương lái ép giá nên tôi quyết định mở lò sấy lúa từ 5 năm trước.

Lúc đầu làm nho nhỏ, sau nâng dần lên và công suất sấy bình quân hiện nay khoảng 150 tấn/ngày. “Tôi tăng dần quy mô của lò sấy lên là nhờ có nguồn điện lưới ngày càng ổn định” - ông Ba Đèo nói, đồng thời lý giải, nhiên liệu đốt lò là trấu, nhưng để nhiệt lan tỏa đến và đều vào khắp nơi trong lò sấy thì phải nhờ hệ thống quạt điện.

“Không có điện là không thể hoạt động nổi lò sấy, kể cả chạy máy dầu cũng không làm nổi vì sẽ lỗ” - ông Ba Đèo khẳng định. Chưa kể, nhờ có điện mới vận hành được hệ thống hút lúa tươi từ ghe thuyền vào lò sấy và bơm lúa khô sau khi sấy từ lò trở lại ghe thuyền.

Nhờ có lò sấy nên việc thu hoạch lúa của bà con nông dân hiện trở nên đơn giản, thuận lợi hơn bao giờ hết. Thay vì phải lo phơi, đóng bao và chất đống trong nhà rồi nhấp nhổm chờ thương lai đến thu mua như trước, nay thương lái đến tận ruộng thu mua lúa tươi và đưa về lò sấy. Ông Ba Đèo nói vui mà rất thật. “Đến ngày gặt, chủ lúa chỉ việc chạy xe đến chân ruộng đứng đó chờ cân và… thu tiền”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.