Giáo viên ‘ngóng’ thời điểm tăng phụ cấp ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi có thông tin, giáo viên mầm non sẽ được tăng mức phụ cấp ưu đãi lên 10%, giáo viên tiểu học tăng 5%, nhiều người đặt câu hỏi khi nào chính sách kể trên được triển khai trong thực tế?

Nhiều giáo viên, nhà quản lý cơ sở giáo dục gửi ý kiến tới Bộ GD&ĐT cho rằng, mức lương thấp, chế độ chính sách đối với nhà giáo hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chưa tương xứng công sức lao động bỏ ra đồng thời hỏi thời gian triển khai việc nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian gần đây, trong quá trình địa phương thực hiện việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do việc sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc phân chia các khu vực hành chính.

Giáo viên ‘ngóng’ thời điểm tăng phụ cấp ưu đãi ảnh 1

Giáo viên quan tâm khi nào sẽ được nâng phụ cấp ưu đãi lên 5 -10%?

Bên cạnh đó, theo thống kê, tổng thu nhập (bao gồm tiền lương và các phụ cấp) của giáo viên mầm non, tiểu học chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên và đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội.

Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.

Trên tinh thần kế thừa những quy định đã có và đang phù hợp, Bộ GD&ĐT đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học để phù hợp với đặc thù của ngành học, cấp học; phù hợp với quy định về trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; phù hợp với chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và bảo đảm tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học với mức tăng từ 5-10% nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ mầm non và giảng dạy, giáo dục học sinh tiểu học.

"Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành liên quan. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành quy trình xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ quy định về nội dung đó", Bộ GD&ĐT trả lời băn khoăn của các nhà giáo.

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, giáo viên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin, hiện nay, Chính phủ giao các bộ ngành, cân nhắc khả năng để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học.

“Tuy con số nhỏ, nhưng khi thực hiện sẽ có thêm phần động viên, bù đắp cho đội ngũ. Ngành giáo dục có số lượng công chức, viên chức hưởng lương lớn, chiếm 70% cả nước nên khi thay đổi rất nhỏ cũng cần tính toán kỹ các điều kiện. Vì vậy mong muốn kiến nghị cũng phải từng bước", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức hồi tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non đồng thời sớm xem xét việc tăng phụ cấp cho giáo viên.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.