Giao thông Hà Nội: Nóng như "nước sôi"

Vỉa hè bị “xẻ thịt” khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường là trách nhiệm của Chủ tịch phường, quận. Ảnh: Anh Trọng
Vỉa hè bị “xẻ thịt” khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường là trách nhiệm của Chủ tịch phường, quận. Ảnh: Anh Trọng
TP - Hạ tầng giao thông yếu, xe cá nhân tăng cao và môi trường ô nhiễm… là những vấn đề nóng như “nước sôi” được Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thừa nhận trong buổi Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội sáng 7/3.

Mất vỉa hè là trách nhiệm của Chủ tịch phường, quận

Lo ngại hạ tầng giao thông tại Thủ đô đang ngày càng yếu kém, trong đó hạ tầng vỉa hè bị lấn chiếm mà báo Tiền Phong vừa có loạt bài phản ánh, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Quốc gia (ATGTQG) cho hay, theo thiết kế, vỉa hè là một hạng mục không thể tách rời của hạ tầng giao thông. Vỉa hè có nhiệm vụ giải quyết nhu cầu đi lại của người đi bộ; tuy nhiên trên nhiều tuyến đường Hà Nội, vỉa hè đang bị hàng quán, điểm trông giữ xe phong tỏa. Để có thể đi lại, người đi bộ buộc phải di chuyển xuống đường. Đây là hành vi nguy hiểm và có thể gây TNGT bất kỳ lúc nào. “Chúng tôi rất ủng hộ việc triển khai xử lý vi phạm của người đi bộ. Nhưng nếu không giữ được hạ tầng cho người đi bộ thì người dân không còn lựa chọn nào khác”, ông Hùng nêu thực tế.

Giao thông Hà Nội: Nóng như "nước sôi" ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải. Ảnh: Trường Phong

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, cùng người đi bộ đang phải đi dưới lòng đường nhiều tuyến phố, Hà Nội còn có gần 4.000 ngã tư giao cắt. Chỉ phần nhỏ các điểm giao cắt này có cầu đi bộ, hàng rào, vạch kẻ sơn, còn lại là người đi đường tự do đi lại. Theo ông Thắng, riêng trong năm 2015, Hà Nội 112 vụ , 81 người chết liên quan đến người đi bộ.

Nghe xong các thông tin này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chất vấn lãnh đạo UBND thành phố và các sở ngành liên quan, lòng đường, vỉa hè đã có quy định quản lý, sử dụng quá rõ ràng, sao vẫn để tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải xuống đường. Ông Hải cho rằng, vỉa hè không đủ 1,5m chiều rộng thì nhất thiết không được kinh doanh, trông giữ xe. Quy định đã rõ như vậy, nhưng vỉa hè vẫn bị lấn chiếm thì trách nhiệm đầu tiên phải là chủ tịch phường, sau đó đến quận. Là cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, họ phải chịu trách nhiệm về việc này.

4.000 người tử vong vì ô nhiễm

Nhiều ý kiến của đại biểu tại cuộc họp cũng lo ngại về mức độ ô nhiễm môi trường tại Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng, phương tiện giao thông đông, công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp bao quanh khu vực trung tâm nhiều là những nguyên nhân chính làm cho không khí Hà Nội bị ô nhiễm. Ông Khuất Việt Hùng dẫn chứng, ô nhiễm môi trường tại Việt Nam trong đó có Hà Nội vừa được tạp chí Nature công bố đang ở mức báo động, điều này đã làm mỗi năm Việt Nam có 4.000 người tử vong vì sự ô nhiễm môi trường. Với Hà Nội, ông Hùng cho rằng, biện pháp trước mắt, cần sớm áp dụng tiêu chuẩn khí thải cao hơn đối với phương tiện giao thông, trong đó có cả vận tải hành khách công cộng xe buýt. Về lâu dài, phải kiểm soát được sự gia tăng của phương tiện cá nhân và phương tiện đã quá niên hạn sử dụng.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp thêm thông tin, cả nước hiện có hơn 31 nghìn xe ô tô hết hạn kiểm định. Riêng tại Hà Nội, phương tiện cá nhân có hơn 5,3 triệu ô tô, xe máy, ngoài ra mỗi tháng còn tăng thêm 12%, gấp 1,2 lần so với tăng trưởng GDP của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cảnh báo, với thực tế trên, Hà Nội sẽ ô nhiễm hơn Bắc Kinh nếu không có giải pháp và quy hoạch kịp thời. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, chúng ta đều có quy định rõ ràng cho ô nhiễm môi trường, xe quá niên hạn, chở quá tải đều bị xử lý nghiêm. Cùng với đó, biện pháp cần làm ngay để giảm ô nhiễm là tăng cường công tác vệ sinh môi trường, quét rửa và hút bụi đường thường xuyên. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý, tình trạng xe quá đát và quá tải hoạt động lén lút trên địa bàn thành phố vẫn còn; Thanh tra Giao thông phải phối hợp với CSGT để có kế hoạch điều tra, ngăn chặn triệt để tình trạng trên.

Tạo đột phá trong phát triển hạ tầng

Để hạn chế được xe cá nhân, ô nhiễm, nhiều ý kiến cho rằng Thành phố và Bộ GTVT cần quan tâm đến phát triển hạ tầng, cùng với đó là phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho rằng, xe buýt đang là chủ lực của VTHKCC Thủ đô, tuy nhiên xe buýt đã phát triển gần 20 năm nhưng hệ thống tiêu chuẩn áp dụng thống nhất chưa có, trong đó có cả hệ thống nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu, điểm cuối… Thành phố đang chủ trương phát triển VTHKCC nội đô và vận tải khách liên tỉnh, nhưng cả hai hệ thống này có tính kết nối không cao. Đi đôi với phát triển hạ tầng, thành phố cũng quan tâm đến phát triển vận tải công cộng, nếu chỉ quan tâm đến phát triển hạ tầng nhưng vẫn để xe cá nhân tự do tăng thêm mỗi tháng trên 10% như hiện nay thì không một công trình hạ tầng nào “chạy” theo được.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thừa nhận, hạ tầng giao thông của Thủ đô nói riêng và vùng Thủ đô nói chung còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và còn nhiều việc phải làm. Cùng với nỗ lực của thành phố, Bí thư Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với thành phố triển khai quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô và Quy hoạch chung vùng Thủ đô, để từ đó có cơ sở triển khai đồng bộ. Riêng, về phía thành phố sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông, cùng với đó là hạn chế xe cá nhân, thành phố phải xem những vấn đề này như “nước sôi” chứ không còn là nóng bỏng nữa.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thừa nhận, hạ tầng giao thông của Thủ đô nói riêng và vùng Thủ đô nói chung còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và còn nhiều việc phải làm.

MỚI - NÓNG