Chiều 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định về việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn thành phố (thực hiện khoản 2, khoản 3 điều 33 Luật Thủ đô 2024).
Dự kiến, ngày 19/11, tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19), HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, cho ý kiến về nghị quyết này.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, thời gian qua, vi phạm trên địa bàn thành phố về trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy ngày càng phức tạp.
Công tác thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền dù đã được chú trọng nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn rất hạn chế, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện vi phạm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt, nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả đã được áp dụng nhưng việc thi hành còn gặp nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, dự thảo quy định thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo hướng chủ yếu giao Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện có thẩm quyền áp dụng biện pháp này, phù hợp quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và phòng cháy chữa cháy.
Thành phố dự kiến cũng quy định giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan địa giới hành chính của 2 xã, phường, thị trấn trực thuộc trở lên; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và quyết định di dời khẩn cấp để bảo đảm đồng bộ với quy định của thành phố...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết khi ban hành nghị quyết; thảo luận về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh để phù hợp với thực trạng vi phạm trật tự, an toàn xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố…
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, lưu ý cơ quan soạn thảo cần sửa đổi, làm rõ thêm về số liệu, thực trạng về vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy để thấy rõ hơn nữa sự cấp thiết khi ban hành nghị quyết. Đồng thời cần có chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân ở gần có hành vi cung cấp điện, nước cho trường hợp vi phạm, thuộc diện đã bị ngừng cung cấp điện, nước.
Góp ý về thời hạn ban hành quyết định yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (điều 5 của dự thảo), ông Dĩnh cho rằng, khoảng thời gian từ lúc lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, đến khi ra quyết định, thực hiện quyết định là quá dài (dự thảo quy định từ 6 - 7 ngày). Trong khi đó, về vấn đề tiêu cực này có khi chỉ trong 1 đêm đã hoàn thiện công trình vi phạm. Do đó, nên rút ngắn thời gian hơn nữa để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Đáng chú ý, theo ông Dĩnh, đối với công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời (thuộc khoản 6 điều 3), ông Dĩnh đề nghị bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế.
“Bởi vì đã thuộc trường hợp khẩn cấp và nguy hại đến tính mạng mà cơ quan chức năng lại tiếp tục cho ở, chỉ cắt mỗi điện, nước thì có khi người vi phạm vẫn cứ ở. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã thuyết phục, có quyết định rồi nhưng họ không di dời thì biện pháp khẩn cấp phải là cưỡng chế”, ông Dĩnh phân tích.
Góp ý thêm tại hội nghị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng, người dân có quyền được cung cấp điện, nước; điều này nâng cao chất lượng đời sống người dân, thể hiện trách nhiệm của nhà nước. Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn các trường hợp áp dụng phải là “trường hợp cần thiết”.
“Trong dự thảo không đề cập đến khái niệm thế nào là trường hợp cần thiết, mà kể ra thì vô vàn. Thế này, lúc nào cũng cắt điện, nước được”, ông Nghiêm cho hay.