Sau khi Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và tác giả Phạm Hiệp công bố nghiên cứu khảo sát về lương giảng viên Việt Nam có thu nhập cao nhất hơn 1 tỷ đồng/năm gây bất ngờ lớn, liệu khảo sát này có đúng với mức thu nhập thực tế, có khách quan? Nguồn thu nhập từ đâu?... PV Dân trí đã có trao đổi với TS Đàm Quang Minh về vấn đề này.
Kêu lương thấp nhưng vẫn sở hữu nhà, xe hơi
Nghiên cứu khảo sát về lương giảng viên Việt nam “Thu nhập giảng viên cao nhất lên đến hơn 1 tỷ/năm”mà ông và tác giả Phạm Hiệp đưa ra thật sự là bất ngờ trong thời điểm hiện nay, bởi lâu nay, nhiều nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, giảng viên liên tục kêu than lương quá thấp không đủ sống. Vậy kết quả khảo sát thu nhập ở đây như các ông thống kê từ những nguồn nào? Liệu có chính xác, khách quan? Sau khi công bố kết quả này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi cả ủng hộ và cả hoài nghi. Chúng tôi sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu 40 nhà khoa học, giảng viên ở các nhóm trường khác nhau để tìm ra câu trả lời. Những người được phỏng vấn đều rất nghiêm túc và có dẫn chứng từ việc đóng thuế thu nhập cá nhân.
Với hiện trạng thiếu minh bạch hiện nay, rất hiếm người muốn công khai việc thu nhập của mình và có xu thế nói giảm thu nhập thực tế. Nhưng hãy nhìn vào thực tế các giảng viên đại học rất nhiều người đang sở hữu nhà, xe hơi và có đời sống tinh thần cao, chúng ta có thể tính được mức thu nhập và mức sống thực tế. Đó là những tín hiệu tích cực của những người có học vấn cao có được thu nhập tốt.
Nhưng cũng phải nói thêm, khảo sát này được thực hiện cơ bản tại các trường ở Hà Nội. Ở các tỉnh khác có thể thấp hơn và ở Tp.HCM có thể cao hơn. Xin khẳng định rằng đây là những thu nhập hợp pháp và được tính thuế đầy đủ.
Ông có nghĩ rằng thu nhập này giảng viên Việt Nam xứng đáng với công sức, trí tuệ đã bỏ ra, hay giảng viên Việt Nam đang được hưởng cao hơn mức vốn có?
Mức thu nhập của giảng viên hiện nay thể hiện đúng bản chất của một thị trường khan hiếm với độ chênh lệch rất cao. Những giảng viên giỏi có thể nhận lương theo giờ khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng nhưng có giảng viên chỉ nhận 30.000 đồng cho một giờ dạy. Mức độ chênh lệch này cao hơn rất nhiều so với mức chênh lệch ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển.
Việc trả lời xứng đáng hay không theo tôi là không phù hợp vì thị trường sẽ phán xét chứ không phải các cá nhân. Các trường tốt đang phải giành giật những thầy cô giáo giỏi và những người giỏi thực sự đang có cuộc sống tốt hơn nhiều. Đây là tín hiệu tốt. Ngay cả các chương trình tiên tiến của các trường công cũng hết sức đổi mới khi sẵn sàng trả 350.000 đồng cho một giờ giảng dạy.
Hiện nay đang có nguồn giảng viên nước ngoài sang Việt Nam làm việc để lấp chỗ trống do giảng viên Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu và tính quốc tế hóa. Các giảng viên này đương nhiên không thể trả lương thấp được và mức thu nhập trên 1 tỷ đồng một năm là khá phổ biến cho các đối tượng này.
Còn đối với trường tư, ví dụ như ĐH FPT thì mức lương như thế nào, thưa ông?
Trường Đại học FPT khá minh bạch trong việc lương giảng viên. Chúng tôi coi trọng giảng viên và so với thu nhập chung thì lương giảng viên ở mức cao so với các cán bộ trong trường. Tổng mức thu nhập của giảng viên nằm trong khoảng 200 - 700 triệu đồng một năm trong đó mức thu nhập tối thiểu cam kết là 136 triệu cho giảng viên cơ hữu. Mức tối thiểu là mức dành cho giảng viên kể cả khi giảng viên không dạy bất kỳ giờ nào.
Ngoài ra, khi các giảng viên nghiên cứu cũng sẽ có thêm thu nhập. Người có thu nhập từ nghiên cứu lớn nhất của chúng tôi đến nay là khoảng 400 triệu.
Thu nhập cao nhưng làm thiếu chuyên nghiệp
Những người đạt mức 1 tỷ đồng/năm là con số rất cá biệt, hay chiếm 1 tỉ lệ nhất định? Tỉ lệ giảng viên trẻ thu nhập dưới 100 triệu đồng/ năm chiếm bao nhiêu %, và có khảo sát nào về việc sau khi đi làm bao nhiêu năm họ sẽ “thoát” được mức “thu nhập thấp” này?
Phương pháp nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích xác định cạnh tranh về nguồn nhân lực và phân nhóm để giúp chúng tôi hình thành chính sách nên không xác định tỷ lệ phần trăm của các nhóm.
Việc thoát khỏi mức thu nhập thấp hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân. Những giảng viên trẻ của FPT có thể đạt mức thu nhập khoảng 300 triệu sau 1-2 năm kinh nghiệm.
Trong nghiên cứu, khảo sát, ông có so sánh đến chất lượng giảng viên hiện nay của Việt Nam với chất lượng giảng viên của các nước? ông có tính đến số lượng GS, PGS của Việt Nam so với số sinh viên hiện có của Việt Nam?
Nếu xét về chất lượng của đại học nghiên cứu thì chúng ta thừa chức danh GS, PGS vì thực chất việc nghiên cứu thực thụ đang ở quy mô nhỏ bé. Tôi cho rằng việc tự xác định mình là quan trọng.
Các trường tùy thuộc vào khả năng mà xác định quy mô nghiên cứu phù hợp, còn lại phải tập trung cho việc đào tạo ứng dụng. Tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là nghiên cứu thì lệch lạc mà ứng dụng thì cũng kém. Kết quả là sản phẩm nghiên cứu không dùng được và sinh viên cũng không có khả năng làm việc thực tiễn của doanh nghiệp. Chúng ta không nên mơ hồ hoặc chung chung giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Nói một cách thẳng thắn, giảng viên Việt Nam đang thiếu chuyên nghiệp và thu nhập cao hơn các đồng nghiệp nước ngoài. Chúng tôi có giảng viên từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và cả Ấn Độ, Philippines. Mặt bằng chung, họ chuyên nghiệp hơn giảng viên Việt Nam nhiều. Bản thân giảng viên tại FPT cũng được đặt tính chuyên nghiệp lên cao. Trong khi đó hiện trạng chạy sô, dạy lấy được vẫn phổ biến tại Việt Nam.
Trong Nghị định quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học mà Chính phủ vừa ban hành có quy định khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học là các giảng viên được thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE, ông thấy thế nào?
Các trường đại học muốn đi xa, động lực tự thân là nghiên cứu và ISI, SCI hay SCIE chỉ là một trong những con đường như vậy. Thế giới đã đổi từ R&D (research and development) là nghiên cứu và phát triển sang R&D&C có nghĩa là thêm C (commercialisation) để nhấn mạnh thêm nữa tính thực tiễn và thương mại hóa của các ứng dụng nghiên cứu. Tôi không phủ nhận sự cần thiết của các nghiên cứu cơ bản nhưng rõ ràng Việt Nam cần những nghiên cứu phát triển hơn nhiều so với mức hiện có.
Các nghiên cứu này đang dần hình thành và phát triển ở các doanh nghiệp của Việt Nam. Bản thân Tập đoàn FPT cũng đang có những đề tài thú vị và có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ các trường đại học Việt Nam và nước ngoài bên cạnh sự tham gia của Đại học FPT.
Chính những đặt hàng này mới tạo động lực phát triển và cần khuyến khích hơn là các bài báo khoa học đơn thuần dễ dẫn dụ bằng cách nghiên cứu dựa theo. Các nghiên cứu dựa theo đó cũng sẽ có bài đăng trên các tạp chí quốc tế nhưng tính sáng tạo rất thấp và không tạo tiền đề phát triển. Nhưng dù sao đó cũng là một chính sách tốt để khuyến khích nghiên cứu trong thời gian đầu hội nhập với giới học thuật trên thế giới.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Hồng Hạnh