Giáng Son: Nhận được lời mời, tôi cảm thấy rất vui, nghĩ ra luôn hai câu đầu tiên của bài. Nhưng phải chế ngự mạch cảm xúc lại ngay, để khi nào có trải nghiệm thực sự thì viết tiếp. Và thế là khi đi về, tôi mới hoàn thành nốt bài hát.
Chị đã hài lòng với thành quả cuối cùng?
Đương nhiên trong chuyến đi 10 ngày có rất nhiều cảm xúc, nhiều thứ muốn đưa vào bài hát, nhưng nhiều quá thì bài sẽ lộn xộn. Bên hải quân nói, những bài hoành tráng, hành khúc họ có nhiều lắm rồi, đang cần bài nhẹ nhàng.
Ví dụ, nửa đêm ra boong tàu ngắm ánh trăng xuống, lúc đấy phải nói cảnh rất đẹp và rất có cảm xúc. Nhưng những bài như Nơi đảo xa của bác Thế Song đã miêu tả ánh trăng, biển, tình yêu với đất liền… rồi.
Thành ra dù mình rất muốn đưa vào bài nhưng cũng muốn khai thác cái gì đấy khác hơn một chút.
Có khi nào chị… rơi lệ trong suốt chuyến đi Trường Sa?
Chắc là không. Nhưng đâu phải không rơi lệ là không cảm xúc. Người ta… khóc trong lòng làm sao biết được. Biến cảm xúc thành hành động cụ thể quan trọng hơn. Đương nhiên có rất nhiều tình cảm đáng nhớ và ấn tượng trong chuyến đi đấy.
Và đúng là như nhiều người nói, có thể họ đi rất nhiều nơi trên thế giới rồi nhưng chỉ một lần đi Trường Sa thôi, cảm giác vẫn rất là khác và thế là có thể yên tâm rồi.
Lời mời của Bộ Tư lệnh Hải quân dành cho chị kèm ràng buộc gì?
Tiến tới kỷ niệm 60 năm Bộ Tư lệnh Hải quân, họ mời văn nghệ sĩ đi trải nghiệm thực tế và tham gia cuộc phát động sáng tác ca khúc về hải quân, Trường Sa, biển đảo… Họ duyệt rất kỹ vì kinh phí cho mỗi người ra Trường Sa rất tốn kém.
Ấn tượng sâu sắc của chị về chuyến đi?
Thời gian lênh đênh trên biển nhìn ra xung quanh bốn bề sóng nước mênh mông, đúng là thấy cuộc đời quá mong manh. Các cụ ngày xưa bám biển ra đảo bằng mấy con thuyền độc mộc như thế phải nói là kinh khủng. Mình đi bằng tàu hạng nhất, được trang bị đầy đủ mà còn say lướt khướt suốt mấy ngày. Lên đảo đầu tiên lại bị say đất. Mà say đất còn kinh khủng hơn say sóng. Nhìn cái bàn ăn cứ đảo lên đảo xuống, dập dềnh như sóng, dù là đang ngồi trên đảo. Say đất phải mất gần một ngày, lại phải lên tàu đi sang đảo khác.
Hành trình cứ tiếp nối hết say tàu rồi đến say đất. Nhiều hôm đúng đợt giông bão. Tàu lớn không cập bờ được, phải vào đảo bằng ca-nô, sóng đánh cao tưởng chết. Một số nhân vật khóc ầm ĩ.
Ấn tượng của chị về cuộc sống trên đảo?
Chúng tôi đến thăm một số cháu sinh tại đảo thì rất vui các cháu lại rất bụ, đáng yêu. Chắc là tại ăn cá suốt ngày, toàn cá ngừ. Đương nhiên ở đấy không khí như thế thì các cháu phải khỏe mạnh. Các cháu tuổi đi học ít thôi, nhưng cũng có lớp học riêng. Có chùa, đền thờ Bác Hồ, đài tưởng niệm, trạm y tế… đầy đủ cho một thị trấn nhỏ đang hình thành.
Nói chung nỗ lực của các doanh nghiệp, của nhân dân cả nước đã góp phần cho đảo Trường Sa rất phát triển.
Chắc Giáng Son không bỏ qua cơ hội hát cho chiến sĩ nghe?
“Thực ra không phải đi Trường Sa về mới suy nghĩ về chủ đề này, mà tôi đã nghĩ từ rất lâu rồi. Vấn đề là nhiều nhạc sĩ đi trước viết quá hay, quá thành công. Mình viết sau nếu không bằng thì không muốn viết. Thành ra quan trọng nhất là nghĩ chủ đề, chứ giai điệu cũng không phải quá khó”.
Giáng Son
Hơi ngại vì không phải ca sĩ, nhưng vì mọi người yêu cầu nên cũng lên hát, mà chỉ hát được mỗi Giấc mơ trưa thôi, mặc dù buổi đêm. Hai ngày trước đấy say bê bết. Mới lên tàu ở cảng Sài Gòn thì sóng rất nhỏ, chủ quan, ôi thế này chả say gì cả. Nửa ngày đầu tiên ngồi trên boong nói chuyện với thuyền trưởng và các đồng chí trong ban chỉ huy. Chập tối ra biển, bắt đầu say. Về phòng nằm vật luôn. Hai ngày nằm trên giường tầng 2, không ngồi dậy được. Mặc dù dán, uống thuốc chống say, đủ các trò.
Ngày thứ 3 lên đảo đầu tiên là Song Tử Tây, bắt đầu có chương trình văn nghệ. Lấy hết sức ra sân khấu để hát, mặt mũi bơ phờ. Trên đảo Trường Sa Lớn cũng bê xê lết. Nhưng lúc ra nhìn thấy các chiến sĩ, những gương mặt háo hức chờ mình thì vui dù hát không được tốt lắm, hơi yếu.
Hát xong mọi người vỗ tay nồng nhiệt, chạy lên tặng hoa… Vui nữa là một số chiến sĩ sau một năm vẫn liên lạc, thỉnh thoảng gọi điện nhắn tin hỏi han thân tình và mong sớm gặp lại.