Giảm nguy cơ từ 'sân sau'

Giảm nguy cơ từ 'sân sau'
TP - Tại hội nghị chuyên đề về chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng vừa diễn ra hôm qua, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng có đề xuất với ngành ngân hàng:

> Không chỉ là quyền lợi cục bộ của ngân hàng

Không để tình trạng bố mẹ, vợ chồng, con của người đứng đầu ngân hàng giữ chức vụ, cương vị chủ chốt ở cùng tổ chức, đơn vị ngân hàng; sơ kết, tổng kết việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Nói rộng ra, đây là đề xuất bắt nguồn từ thực tế đang diễn ra hiện nay: các vụ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, tín dụng thời gian gần đây hầu hết đều có bóng dáng của sự cấu kết giữa cán bộ với cán bộ ngân hàng, giữa cán bộ ngân hàng với các công ty “sân sau” do người nhà họ lập ra hay đứng tên.

Có sự cấu kết ấy, nhiều doanh nghiệp có thể ung dung đăng ký, khai vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế không có một đồng vốn nào. Không có đồng nào nhưng vẫn ung dung “tay không bắt giặc”, như lời của một cán bộ điều tra Cục C46, Tổng cục Cảnh sát.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II –ALCII (thuộc Agribank), chỉ một công ty Quang Vinh, được xem là “sân sau” của ALCII đã có thể biến hóa thành cả chục doanh nghiệp, chuyển vốn “từ tay phải qua tay trái”, biến một con tàu trị giá hơn trăm triệu đồng thành một con tàu có giá khoảng 130 tỷ đồng. Tiền của nhà nước bốc hơi, tiền ở “sân sau” đầy túi.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) đã rất “ý nhị” đề cập một hiện tượng có thể xem là đang tương đối phổ biến qua câu: “Đằng sau ngân hàng lớn là một ông nhỏ, đằng sau ngân hàng nhỏ là một ông lớn”. Ông cho rằng, hiện tượng “sân sau” với những biểu hiện của lợi ích nhóm đang làm xói mòn những chuẩn mực và quy định của hệ thống ngân hàng.

Không ít những “sân sau” này sử dụng các đòn bẩy tài chính, chuyển tiền, ủy thác đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng trưởng quy mô giả tạo, tiếp tay cho hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tín dụng đen, làm lũng đoạn thị trường trong thời gian dài. Hậu quả là lãi suất bị đẩy lên quá cao, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và cả nền kinh tế.

Tổng kiểm soát, thanh tra những tổ chức này cũng như những ngân hàng nhỏ, được xem là đang kiếm lời trên lưng các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, cũng là thực hiện từng bước giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, đó là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính để hệ thống có số lượng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG