Di tích Chùa Cầu sau trùng tu. Ảnh: Hoài Văn. |
Chiều 29/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) Quảng Nam nêu quan điểm của ngành văn hóa về kết quả thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu, Hội An.
Với vai trò quản lý ngành văn hóa của tỉnh, ông Hồng cho rằng Chùa Cầu Hội An là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, vừa là di sản văn hóa thế giới.
Cổng vào Chùa Cầu. |
Chùa Cầu đã được trùng tu nhiều lần, việc trùng tu lần này là cấp bách vì nếu không công trình có nguy cơ sụp đổ khi mùa mưa bão đến.
UBND TP. Hội An tuân thủ kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý, đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn ý kiến cộng đồng, lãnh đạo Hội An qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, phía Nhật Bản (Jica, Đại sứ quán và các đối tác) và đã được UBND tỉnh, Bộ VHTT&DL phê duyệt trên cơ sở thẩm định của các cơ quan chuyên môn.
“Theo báo cáo của Hội An và thực tế tại di tích Chùa Cầu hiện nay sau khi trùng tu cho thấy Hội An đã thực hiện đúng như thiết kế dự án đã được phê duyệt và đảm bảo các quy định pháp lý về trùng tu di tích”, ông Hồng nói.
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Quảng Nam cũng cho rằng việc dư luận, nhiều người quan tâm có ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy nhiều người yêu mến Chùa Cầu, Hội An (nhất là hình ảnh cổ kính của Chùa Cầu) và Quảng Nam.
Theo ông, ngành văn hóa và thành phố Hội An luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn.