Di tích Chùa Cầu sau khi trùng tu. Ảnh: Hoài Văn. |
Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, dự án trùng tu di tích Chùa Cầu Hội An là một trong những dự án đạt tiêu chuẩn quốc tế, có sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, sự vào cuộc của các chuyên gia đầu ngành ở Hà Nội và Hội An.
Khu vực bên trong di tích Chùa Cầu. |
Dự án tu bổ gần 2 năm, mới đây hoàn thành tuy nhiên lập tức có ý kiến trái chiều về diện mạo Chùa Cầu trở nên “lạ lẫm”, màu sắc mới, hiện đại. Về vấn đề này, ông Đặng Văn Bài cho rằng yêu cầu công trình trùng tu xong phải có màu sắc cổ kính là điều không thể.
“Đã hạ giải xuống, trùng tu xong không lẽ nó phải trở về màu sắc xưa cũ? Làm sao thế được, phải chờ 2–3 năm nữa rồi sẽ trở về màu cũ thôi. Còn nếu dùng sơn quét vào cho giống cũ thì không được”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Ông cho hay đã trực tiếp vào tận nơi theo dõi quá trình trùng tu, “sờ từng cấu kiện” từ lúc thiết kế, hạ giải cho đến khi công trình hoàn thành thấy rằng quy trình trùng tu hạng mục tại đây được làm chặt chẽ, bài bản, khoa học.
Bạn trẻ check-in diện mạo mới của Chùa Cầu. |
“Quan điểm của tôi thì đây là công trình trùng tu mẫu, mô hình mẫu đáng được học tập theo, vừa giữ được nguyên gốc của di tích, vừa tạo được thẩm mỹ đẹp và bền vững cho Chùa Cầu. Và tin tưởng sau đợt trùng tu này, chắc chắn Chùa Cầu là điểm đến làm gia tăng giá trị cho phố cổ Hội An”, ông Đặng Văn Bài chia sẻ.
Như Tiền Phong thông tin, sau thời gian trùng tu, cơ quan chức năng vừa tháo dỡ toàn bộ phần bao che, khiến nhiều người dân, du khách ngỡ ngàng về vẻ ngoài của Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Cầu sau khi trùng tu.
Nhiều người khen di tích đẹp nhưng cũng một số ý kiến trái chiều, cho rằng di tích sau trùng tu “như làm mới”, không còn nét cổ kính mà mang vẻ hiện đại nhiều hơn.
Chủ tịch thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định tổng quan công trình đã thực hiện đảm bảo đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu. Lần đại trùng tu này đem đến sự vững bền cho di tích, giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất.
Trong quá trình triển khai, bộ phận chức năng tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Bộ phận nào hư hỏng, mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình thì mới tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại các yếu tố gốc. Vào công trình thấy có ngói cũ, ngói mới, có gỗ mới, gỗ cũ. Đó là theo nguyên tắc trùng tu và đều được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao.
"Công trình đại trùng tu, trùng tu xong dứt khoát phải sơn lại để bảo quản công trình, vì nếu cứ để cũ, qua mưa gió sẽ xuống cấp. Tất cả những màu đó đều là những màu gốc đã được nghiên cứu. Dĩ nhiên khi mới sơn thì nó phải mới thôi, nhìn có lạ so với trước đây nhưng chỉ qua một mùa mưa gió sẽ trở lại màu như cũ”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, với các ý kiến của người dân, du khách về màu sắc Chùa Cầu sau trùng tu thì thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, có thể pha lại màu sắc như thế nào cho ít thay đổi nhất.