> Sở Y tế làm rõ vụ bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà vây BV
> Bệnh nhân chết lâm sàng, người nhà 'bao vây' bệnh viện
BV làm việc với gia đình bệnh nhân. Ảnh: T.N. |
Chiều qua (17-11), PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An (Phó giám đốc chuyên môn), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, ở thôn Đa Hội, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chết lâm sàng sau khi khám họng ở Bệnh viện Đa khoa Hà Nội đã có buổi giải trình sự việc với gia đình bệnh nhân.
Trước đó, sau khi sự việc xảy ra, theo thông tin từ phía bệnh viện (BV), PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An phải đi tập huấn bốn ngày ở Thái Lan theo chương trình đã định sẵn.
Theo bản giải trình, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân Tưởng và phát hiện có một nang nước ở dây thanh bên trái nên cho chuyển bệnh nhân vào phòng mổ gây tê tại chỗ để bấm nang nước. Lúc này là 14h15, tình trạng bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo (mạch 80 lần/phút, huyết áp :130/80mmHg , SPO2: 99%).
Sau khi xịt thuốc Lidocain (10%) vào họng ba lần, mở miệng, đặt ống soi thanh quản để tiến hành thủ thuật. Khi chuẩn bị kiểm tra dây thanh thì thấy chỉ số SPO2 của bệnh nhân giảm đột ngột (từ 99% xuống 43%), bác sĩ An và kíp làm việc lập tức rút ống soi thanh quản tiến hành cấp cứu với chẩn đoán sơ bộ: “Ngạt thở do co thắt thanh quản cấp”.
Ngay khi chỉ số SPO2 của bệnh nhân giảm đột ngột, Bác sĩ An và kíp làm việc đã xử lý gấp, hút đờm dãi và tiến hành đặt nội khí quản dưới tác dụng của thuốc giãn cơ, nhưng vì thanh quản của bệnh nhân co thắt rất mạnh nên việc đặt ống nội khí quản rất khó khăn.
Theo PGS.TS An, xảy ra tai biến với bệnh nhân Trần Thị Tưởng là một việc rất đáng tiếc trong chuyên môn, do những yếu tố bất khả kháng là co thắt thanh quản cấp gây ngạt thởi có thể do xịt thuốc Lidocain 10%.
Tuy nhiên, trước đó, trong cuộc họp báo với hôm 15-11, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn khẳng định và đồng thời viết rõ lên bảng tên thuốc được xịt cho bệnh nhân là Xylocain 10% dạng xịt. Sau khi phóng viên hỏi lại, Bác sĩ Sơn cho biết, hai thuốc này đều là thuốc gây tê, và thuốc sử dụng cho bệnh nhân Tưởng hôm điều trị chính là Lidocain 10%.
Về việc, vì sao bệnh nhân Trần Thị Tưởng đến nay chưa tỉnh, PGS.TS An giải thích: “Có thể là do thiếu oxi não mà nguyên nhân là do hiện tượng co thắt thanh quản cấp có thể do sốc phản vệ với thuốc Lidocain 10% dạng xịt”.
Bác sĩ An và lãnh đạo BV cũng khẳng định, từ ngày chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Việt Đức vẫn thường xuyên thăm hỏi.
Theo bà Trần Thị Oanh – (chị gái bệnh nhân Tưởng), về phương diện tình cảm, gia đình rất thông cảm với bệnh viện. Tuy nhiên, do Bác sĩ An không thăm hỏi, giải trình ngay từ đầu nên mới khiến gia đình bức xúc, kéo lên bao vây BV vào ngày 14-11 vừa qua.
“Lãnh đạo bệnh viện nhận thiếu sót về chuyện đã chưa kịp thời quan tâm, giải thích, động viên gia đình bệnh nhân Tưởng”- Bác sĩ An lên tiếng xin lỗi gia đình bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cũng cho biết, BV sẽ thực hiện ba điểm trong cam kết với gia đình trước đây ít ngày, gồm: Chi trả toàn bộ viện phí của bệnh nhân, giải trình về nguyên nhân tai biến và trong trường hợp xấu bệnh nhân không thể qua khỏi, gia đình hoàn toàn có thể mời cơ quan chức năng có thẩm quyền tham gia xem xét vụ việc.