Vì sao không uống rượu vẫn có chất cồn trong người?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đôi khi vi khuẩn ẩn nấp trong ruột có thể khiến một người có nồng độ cồn trong người cao, ngay cả khi họ không uống chút rượu nào.
Vì sao không uống rượu vẫn có chất cồn trong người? ảnh 1

Có người mắc chứng bệnh gọi là "hội chứng bia" do có vi khuẩn tạo ra nồng độ cồn cao khi phân hủy đường và carbohydrate. (Ảnh: Shutterstock)

Vi khuẩn trong ruột có thể gây ra hội chứng tự động sản xuất bia

Năm 2024, một người đàn ông Bỉ được trắng án sau khi anh ba lần bị buộc tội DUI (lái xe dưới sự ảnh hưởng của bia, rượu) trong vòng bốn năm. Mặc dù, anh ta làm việc ở một nhà máy bia khiến nhiều người nghi ngờ, nhưng anh vẫn khẳng định mình không hề uống bia, rượu. Ba bác sĩ xác nhận rằng, anh mắc phải một tình trạng gọi là "hội chứng bia" mà không hề hay biết. Những người mắc hội chứng này mang vi khuẩn trong ruột tạo ra nồng độ cồn cao bất thường khi phân hủy đường và carbohydrate.

Mặc dù đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng một phụ nữ cũng đã được trắng án về tội DUI vào năm 2016 sau khi các bác sĩ chẩn đoán cô mắc hội chứng tương tự. Cô có nồng độ cồn trong máu cao gấp 4 lần giới hạn cho phép.

Một nhà vi trùng học, chuyên nghiên cứu vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột đối với sức khỏe con người, cho biết, hóa ra một số vi khuẩn cụ thể trong ruột là nguyên nhân gây ra hội chứng tự động sản xuất bia, cũng có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ do sản xuất ra lượng cồn cao.

Gan bị bệnh, dù không hề uống rượu bia

Sự tích tụ chất béo dư thừa trong gan có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả tình trạng viêm. Điều này có thể dẫn đến xơ gan, hoặc ung thư gan.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng có sự liên quan giữa gan nhiễm mỡ với chứng nghiện rượu. Tuy nhiên, bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa, hay MASLD, phát sinh mà không uống quá nhiều rượu. Trước đây được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tình trạng này ảnh hưởng đến 80 triệu đến 100 triệu người Mỹ.

Dường như có nhiều nguyên nhân gây ra MASLD, chẳng hạn như béo phì, kháng insulin, cholesterol cao và nhiễm viêm gan C.

Vi khuẩn Klebsiella pneumoniae

Trong một nghiên cứu năm 2019, các bác sĩ đã xác định được một bệnh nhân mắc cả hội chứng tự sản xuất bia và MASLD nặng. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra mẫu phân của bệnh nhân, họ đã tìm thấy một loài vi khuẩn có tên Klebsiella pneumoniae. Chủng K. pneumoniae đặc biệt này tạo ra lượng cồn gấp bốn đến sáu lần so với chủng vi khuẩn tương tự tạo ra ở người khỏe mạnh.

Kiểm tra một nhóm gồm 43 bệnh nhân mắc MASLD khác, họ phát hiện ra rằng 61% người tham gia sở hữu K. pneumoniae bài tiết lượng rượu cao bất thường. Trong số 48 người khỏe mạnh được đưa vào làm đối chứng, chỉ có 6% có vi khuẩn như vậy.

Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, vi khuẩn K. pneumoniae chỉ có nhiều hơn một chút trong ruột của bệnh nhân MASLD. Đó là lượng cồn mà vi khuẩn tạo ra khác nhau.

Có một “nhà máy bia trong ruột?

Để hiểu liệu vi khuẩn có thực sự là nguyên nhân gây ra gan nhiễm mỡ hay không, các nhà khoa học đã cho những con chuột khỏe mạnh ăn vi khuẩn K. pneumoniae sản sinh ra lượng cồn cao. Trong vòng một tháng, những con chuột này phát triển các triệu chứng có thể đo lường được của gan nhiễm mỡ, tiến triển thành xơ gan trong vòng hai tháng. Bệnh gan do vi khuẩn gây ra diễn ra theo cùng một dòng thời gian mà các nhà nghiên cứu quan sát thấy khi họ cho chuột uống rượu nguyên chất.

Các nhà nghiên cứu đã xử lý chất liệu đường ruột thu được từ chuột MASLD bằng một loại virus tiêu diệt Klebsiella. Khi đường ruột không có Klebsiella được cấy vào những con chuột khỏe mạnh, chúng không phát triển bất kỳ bệnh nào.

Kết quả này cho thấy, một số vi khuẩn K. pneumoniae tạo ra quá nhiều rượu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Điều này cũng có nghĩa là một số trường hợp gan nhiễm mỡ do K. pneumoniae gây ra có thể được điều trị bằng kháng sinh. Thật vậy, việc sử dụng kháng sinh imipenem cho chuột bị gan nhiễm mỡ do K. pneumoniae gây ra đã làm đảo ngược tiến triển của bệnh.

Vì K. pneumoniae chuyển hóa đường thành rượu nên các bác sĩ có thể chẩn đoán dạng gan nhiễm mỡ này bằng xét nghiệm máu đơn giản để đo nồng độ cồn trong máu phản ứng với đường. Các nhà nghiên cứu cho thấy những con chuột mang vi khuẩn Klebsiella trở nên say rượu và có nồng độ cồn trong máu tăng lên sau khi tiêu thụ đường.

Không rõ hiện tượng này có phổ biến hay không. Vi khuẩn Klebsiella thường được tìm thấy trong ruột người, nhưng không rõ tại sao một số người lại chứa những chủng tạo ra nồng độ cồn cao.

Một số người có thể sở hữu vi khuẩn đường ruột tiết ra rượu khiến họ có hành động say xỉn trong khi trên thực tế, họ chỉ ăn đúng một món tráng miệng ngọt, như trường hợp của người phụ nữ bị buộc tội DUI. Người đàn ông Bỉ cũng đang cố gắng giảm thiểu lượng rượu mà vi khuẩn đường ruột của mình tạo ra thông qua chế độ ăn kiêng và dùng thuốc.

Theo Live Science
MỚI - NÓNG