Tháng 12/1967, trên chiến khu Thừa Thiên – Huế, nhà thơ Nguyễn Đính viết “Bài thơ của một người yêu nước mình” ký tên Trần Vàng Sao. Một trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20. Lúc đó ông mới 26 tuổi.
“Buổi sáng tôi mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường/ Gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua/ Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà/ Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé/ Tôi yêu đất nước này như thế”. Cứ thế, “điệp khúc tôi yêu đất nước này” dài ra mãi. Những câu thơ mang chất trường ca bồi hồi xúc động từ đáy tâm can của một chàng trai trẻ sống yêu thương, đầy trách nhiệm, luôn da diết với cội nguồn. Với mẹ già, em thơ, với căn nhà, chái bếp... Với nỗi khát khao hai chữ Hòa Bình…
“Tôi yêu đất nước này cay đắng/ Những năm dài thắp đuốc đi đêm”. “Tôi yêu đất nước này áo rách/ Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió/Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở/ Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài/ Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai”. “Tôi yêu đất nước này lầm than/ Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển/ Ăn rau rìu rau éo rau trai/ Đất nước này còn chua xót/ Nên trông ngày thống nhất/ Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam/ Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc/ Lòng vui hôm nay không thấy chật”.
Nhà thơ Ngô Minh ở Huế, người bạn vong niên thân thiết với Trần Vàng Sao từng nghe ông kể về nguồn cơn dẫn đến bút danh ấn tượng này. Đó là cuối năm 1967, “Bài thơ của một người yêu nước mình” được Nguyễn Đính viết một mạch trên chiến khu Thừa Thiên khi ông đang bị ốm nằm tại bệnh xá. Bài thơ ngay sau đó được đưa vào tập văn thơ “Nổi lửa” in ronéo hàng ngàn bản chuyển xuống nội thành tuyên truyền cho chiến dịch Mậu Thân. Lúc đầu bài thơ ký tên Trần Sao, nhưng ngay trước khi đưa đi in được tác giả đổi lại thành Trần Vàng Sao, bởi theo lời Trần Vàng Sao: “cái tên ấy cũng khí khái, hợp tạng mình nên mình vẫn giữ đến bây giờ”.
Từng nghe kể rằng năm 1976, khi đưa bài thơ này vào tập thơ “Huế từ ấy”, nhạc sĩ Trần Hoàn, khi đó là Trưởng ty Thông tin Bình Trị Thiên đã đề nghị tác giả thay bằng tên thật Nguyễn Đính, nhưng Trần Vàng Sao kiên quyết không nhượng bộ.
Khí chất “Vàng Sao” đã trở thành cốt cách và máu thịt của người thơ ấy. Trong suốt cuộc đời yêu nước và sáng tạo đầy bi kịch của ông. Năm 1969, Trần Vàng Sao được đưa ra Bắc chữa bệnh. Thế rồi không hiểu sao những trang nhật ký và thơ riêng tư của ông bị “lọt ra ngoài”. Để rồi suốt nhiều năm trời sau đó ông bị tổ chức kiểm điểm nặng nề. Nặng nề không kém gì trường hợp Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt… Tất cả mọi cặp mắt đều nhìn ông như một “kẻ phản động”.
Năm 1975, Trần Vàng Sao về lại quê nhà Vỹ Dạ (Huế), làm ở ngành văn hóa. Và công việc sau cùng của ông là chân “liên lạc” cho ủy ban xã Hương Lưu (phường Vỹ Dạ bây giờ), tức là ai cũng có thể sai vặt đưa thư từ, công văn đi quanh xã. Vợ chồng ông và hai đứa con nhỏ sống “những ngày hết gạo hết tiền hết củi/ muối sống không còn một hột”…
Những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước khi tôi khoác áo sinh viên ở Huế, cho đến sau này, tôi thi thoảng được gặp nhà thơ Trần Vàng Sao. Ông ở Vỹ Dạ, căn nhà cũ kỹ tường vôi tróc lở, cùng sách vở, tranh vẽ ngổn ngang. Khi đó vợ chồng ông đã xin nghỉ việc nhà nước về nhà được 5,6 năm rồi. Vợ là y sĩ, về chạy chợ. Còn ông mới tuổi ngoài bốn mươi, giúp mẹ già bán gánh cháo mưu sinh. Người mẹ góa chồng từ rất sớm nhưng ở vậy nuôi con suốt bao nhiêu năm trời.
Đó cũng là thời điểm Trần Vàng Sao viết “Người đàn ông bốn ba tuổi nói về mình”. Bài thơ gây chấn động xứ Huế những năm tháng ấy. Ở Huế lúc bấy giờ, tôi cảm nhận rất rõ những dư chấn, qua những cuộc hội thảo, những bài báo, lời phát biểu “đánh” bài thơ này cùng tác giả của nó.
Nhưng Trần Vàng Sao vẫn an nhiên trong đời sống đói khổ của mình. Vẫn viết. Những lần tiếp xúc với ông, tôi thấy khá lạ. Đó là ngoài đời ông có vẻ không “gân guốc” như Hữu Loan, Nguyên Hồng, Trần Dần…, dẫu cuộc đời họ đặc biệt giống nhau bởi sự trầm luân của ngòi bút. Thậm chí nhiều khi tôi chứng kiến một Trần Vàng Sao rụt rè sợ những ai nói “lời to tiếng lớn”, như con chim sợ cành cong. Nhưng trong thơ, có lẽ rất hiếm nhà thơ nào dữ dội, thẳng băng, không chút e ngại như ông. Với một giọng thơ pha trộn biết bao cung bậc cảm xúc. Hào hoa, hào sảng, minh triết, nhưng cũng rát bỏng, nhức nhối tâm can… Trên hết là lòng yêu nước, thương người đến không khoan nhượng.
Như trong “Gọi tìm xác đồng đội” (NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam xuất bản năm 2012, cũng là tập thơ duy nhất được in của ông).
Những câu thơ đau đáu: “Ngày mai có hòa bình/ tôi nói với anh em bè bạn/ có anh em như có tôi hôm nay/ ngày mai có hòa bình/ thôi em đừng ngơ ngác/ hai cánh tay tôi bơ vơ suốt đời tôi rồi/ tả tơi và đau lắm em ơi/ ngày mai có hòa bình/ có thấy nhớ nhau mà về không”
Tôi chợt hiểu Trần Vàng Sao suốt đời chỉ vẽ Bồ Đề Đạt Ma. Với nét vẽ độc dị không ai so được. Trong bài thơ viết tặng ông từ nhiều năm trước, tôi đã gọi ông là “Vỹ Dạ Đạt Ma”.
“Vỹ Dạ Đạt Ma/ câu thơ ngồi lặng/ cau hoá bồ đề/ kìa kìa cỏ trắng/ khâu vào thịt da”.
Vĩnh biệt ông, một người yêu nước mình theo cách rất “Vàng Sao”!
10/5/2018