Nhà thơ Hải Như: Tài hoa và tiết tháo

TP - Biết và quen nhà thơ Hải Như cũng tình cờ. Số là quãng đầu năm 1991, tôi có loạt bài Tạ Đình Đề huyền thoại và sự thật trên Tiền Phong Chủ nhật. Trong số những thư từ gửi về Tòa soạn khi ấy có thư của nhà thơ Hải Như động viên khuyến khích…Và khi ông Tạ Đình Đề mất, tôi có viết một bài báo ngắn. Bài báo viết sau Tết Mậu Dần năm 1998. Khi báo ra được ít ngày thì nhà thơ Hải Như ở TPHCM có gửi cho tôi bài thơ viết trên tấm danh thiếp.

Mãi sau thời điểm ấy tôi may mắn được gặp nhà thơ Hải Như bằng xương bằng thịt ở Hà Nội. Ông ra Hà Nội cùng với vợ. Hóa ra nhà thơ Hải Như đã quen biết rồi sau này trở thành quen thân với Tạ Đình Đề sau loạt bài viết của tôi dịp ông Đề vào chơi thành phố Hồ Chí Minh với con trai.

Rồi một vài lần gặp khác…

Cảm giác lần đầu gặp là một nhà thơ Hải Như ngó quá trẻ so với tuổi đã quá với thất thập vài năm. Người cứ mảnh mai. Cái tạng cứ roi rói thế này hẳn thọ? Bà vợ cũng tốt tướng như thế… Ký ức về một Hải Như nổi danh thời điểm viết “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hồ ơi”… (ông viết chỉ 5 ngày sau khi Bác mất) cứ xoắn bện trong lúc chuyện trò. Khi sẻ chia cảm giác rằng thơ Hải Như viết về Bác cứ như một phiên bản của Chế Lan Viên, ông cười có người bảo mình, thơ Chế có khẩu khí hơi hướng của Hải Như!

Khi ấy tôi mới biết nhà thơ Hải Như cùng tuổi lại cùng quê thành Nam với nhạc sĩ Văn Cao nhưng Hải Như ở huyện Nam Trực. Năm 1948, Hải Như từng tham gia Ðại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, là một trong những nhà báo học lớp báo chí cách mạng đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng tại Bờ Rạ (Thái Nguyên năm 1948). Đã đành một Hải Như có tiếng trong hoạt động nghiên cứu văn hóa dịch thuật… có nhiều cuốn sách và nổi danh trong địa hạt thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng có lẽ Hải Như hấp dẫn nhiều người hình như một trong những nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc nhất?

Nhà thơ Hải Như: Tài hoa và tiết tháo ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Tôi có nhớ đã gạn hỏi nhà thơ về sự kiện bài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ” của Hải Như trở thành phần lời ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lương Vĩnh như thế nào? Mùa hè năm 1970, nhà thơ Hải Như có cuộc đi kỳ thú. Một đại gia thời ấy, ông Lê Văn Kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường biển vốn chơi thân với rất nhiều văn nghệ sĩ. Ông Lê Văn Kỳ mời Hải Như tham dự một chuyến thăm quan Hải Phòng cả đường sông lẫn bể cho vợ chồng nhà thơ Xô Viết Ximonov nhân có chuyến thăm Việt Nam. Tháp tùng có rất nhiều văn nghệ sĩ. Trong chuyến đi ấy, ngay trên boong tàu, nhà thơ Hải Như gần như suôn sẻ cấu tứ một bài thơ mà ông đặt tên “Thành phố Hoa phượng đỏ”.

Viết vậy nhưng Hải Như đâu nghĩ nhờ người phổ nhạc. Nhưng bài thơ dường như có số phận khác? Tình cờ trong chuyến đi ấy, trong một buổi giao lưu gặp gỡ với Đoàn ca múa Hải Phòng, Hải Như đã gặp một chàng trai có mái tóc bồng bềnh có tên là Vĩnh. Lương Văn Vĩnh, tên đầy đủ của người nhạc sĩ ấy khi đó chưa có tiếng tăm gì. Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng học Trường nhạc lại có chỗ làm tử tế ở Đoàn Ca múa nhạc T.Ư, không rõ lý do người nhạc sĩ khi đó mới 30 tuổi lại về làm ở trường nhạc Hải Phòng? Khi ấy nhiều lần lãnh đạo thành phố lẫn đoàn ca nhạc thường thúc lẫn gợi ý cho trường nhạc Hải Phòng phải có một thứ gì cho ra tấm ra món cho ra cái chất Hải Phòng?

Trong buổi gặp gỡ giao lưu, bài thơ “Thành phố hoa phượng đỏ” của Hải Như đã được ông trao cho người nhạc sĩ trẻ đó và bài hát đã trở thành nổi tiếng như giờ đây mọi người đã biết.

…Hỏi thêm nhà thơ Hải Như, ông cho biết Lương Vĩnh đã phổ trọn vẹn bài thơ chỉ bỏ đi 6 từ. Sáu từ ấy là “cho anh trao chiếc hôn nồng” trong cụm “Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt cho anh trao chiếc hôn nồng. Ta tạm biệt xa nhau”... Hải Như nồng nhiệt tán thành vì Lương Vĩnh rất ý tứ bởi thời buổi ấy, việc hôn hít mà hát lên người ta suy diễn thì rắc rối lắm. Sau này một vị lãnh đạo thành phố khi nghe ca sĩ Kiều Hưng biểu diễn đã gợi ý cho cả Hải Như và Lương Vĩnh sửa lại ca từ “hẹn hò bên bờ sông Lấp” và “Hải Phòng ơi hôm nay bé nhỏ”… Rằng hẹn hò bên sông Lấp nó không trong sáng và Hải Phòng là hoành tráng chứ không bé nhỏ!? Nhạc sĩ Lương Vĩnh khi ấy cười nói tùy nhà thơ Hải Như. Nhưng ông kiên quyết cứ để thế…

Thời điểm xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, việc đóng búa máy sao đó đã ảnh hưởng đến nền móng Chùa Một Cột gần đó. Nhiều báo chí đã lên tiếng… Cánh báo chí hồi ấy nghe phong thanh có ông nhà thơ, ngoài bản kiến nghị gửi cơ quan có trách nhiệm còn có hẳn một bài thơ nữa?

Sau hỏi ra thì nhà thơ ấy là Hải Như. Tôi nèo nhà thơ kể cụ thể chuyện này… Bản kiến nghị và bài thơ của nhà thơ Hải Như không phải là mất hút vô tăm tích. Nó đã đến được nơi cần đến. Thì ra nhà thơ gửi hai thứ ấy đến tận Bộ Chính trị. Tôi nhớ khi ấy (2002) đã gạ nhà thơ Hải Như cho chép nguyên văn bài thơ. Bài thơ có tên “Một bài thơ chưa in”.

Xin trích ít dòng

Ra Hà Nội mùa xuân này anh không dám vào nhà sàn thăm Bác

Nghe nói Người đang rất buồn - vầng trán trĩu ưu tư

Có ai báo với Người: chùa Một Cột do ảnh hưởng địa chấn - bị hư!

Khi ra khỏi chiến tranh Bác Hồ dặn lại dân sẽ gặp nghìn cái thiếu

Không gia đình nào Bắc cũng như Nam lại không gánh chịu một vành tang…

Đừng vin cớ vì Bác Hồ, Người dân hiểu hơn hết Bác Hồ nhưng không nói

Dân tộc ta giờ này thiếu Bác Hồ dân thấm thía nghìn năm!

Nhà sàn Bác Hồ được tôn thêm nhờ đứng cạnh đóa sen hồng: chùa Một Cột

Hành trình Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác xuyên suốt 4.000 năm

Chúng ta sẽ sai lầm nếu xếp Bác Hồ đứng trên và đứng trước.

Chẳng phải ngẫu nhiên trước ngày về giải phóng Thủ đô 54 - Người xin gặp các vua Hùng…

Nhà thơ Hải Như: Tài hoa và tiết tháo ảnh 2

…Đơn và thơ được gửi đi. Mấy tháng sau, Hải Như qua một người quen cho hay, có một quan chức, ông Trần Xuân Bách, Ủy viên Bộ Chính trị Bí thư T.Ư Đảng muốn gặp. Nhà thơ Hải Như phong thanh ông Bách cùng quê Nam Trực Nam Định. Ông Bách khi ấy khá nổi tiếng… Là người cùng huyện nhưng Hải Như chưa bao giờ gặp ông Bách cả. Không rõ ông Bách gặp Hải Như có việc gì? Nhưng ông cũng nhắn lại qua người quen, rằng nếu ông Bách muốn gặp thì dịp sắp tới Hải Như ra Hà Nội hẹn đến nhà con trai ở ngõ Hòa Bình 5 phố Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hẹn như thế Hải Như nghĩ chả bao giờ có một cuộc gặp nào cả? Thế mà ông Bách đã tìm đến…

Kể đến đoạn này nhà thơ Hải Như tự dưng phá lên cười. Ông kể khi ông Bách đến ông mời khách lên gác tiếp cho trang trọng, còn mình xuống nhà pha nước. Con bé cháu nội hỏi bác nào đấy hả ông? Ông nói khách Trung ương đấy. Nó bảo ông nói dối cháu, Nếu khách trung ương thì ai cũng to béo cả vì cháu xem ti vi mãi mà. Giữ nguyên nụ cười ấy, ông thật thà kể lại khách nghe. Ông Bách cũng phá lên cười vui vẻ…

Ông Bách nói cuộc gặp hôm nay có hai việc. Việc đầu tiên là thông báo ý kiến của Bộ Chính trị cho nhà thơ Hải Như rằng, Bộ Chính trị hoan nghênh ý kiến đóng góp của nhà thơ Hải Như, nhưng không thể ngừng công trình vì đã vào kế hoạch được Nhà nước phê duyệt. Sẽ tìm mọi phương án tích cực để khắc phục tình trạng nền chùa Một Cột bị nghiêng. Việc thứ hai là gặp gỡ chuyện trò với một người đồng hương làm thơ…

Có lẽ nhà thơ Hải Như chả thể ngờ. Đó là buổi gặp đầu tiên nhưng không phải là lần cuối. Mối quan hệ và tình bạn giữa nhà thơ với ông Trần Xuân Bách cứ dài mãi sau này. Mỗi lần vào TPHCM công tác hay hội họp, ông Bách đều tìm đến tư gia nhà thơ Hải Như. Thú vị nữa là ông Trần Xuân Bách cũng rất yêu thơ và thích làm thơ. Ông Bách (tên thật là Vũ Thiệu Tuấn - XB) dùng bút danh khi làm thơ là Bách Xuân.

…Vậy là sắp tròn một tháng nhà thơ Hải Như đi gặp bạn thơ, gặp người đồng hương Trần Xuân Bách!

Nhà thơ Hải Như mất ngày 1/7/2017 thọ 95 tuổi.

27/7/2017

Năm 1948, Hải Như từng tham gia Đại hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất, là một trong những nhà báo học lớp báo chí cách mạng đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng.

Cuộc gặp định mệnh

Trong buổi gặp gỡ giao lưu, bài thơ Thành phố hoa phượng đỏ của Hải Như đã được ông trao cho người nhạc sĩ trẻ đó. Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ ôi Hải Phòng thành phố quê hương… Những giai điệu đầu tiên hình thành ngay đêm gặp. Lương Vĩnh hoàn thành bài hát rất nhanh. Ngay mấy hôm sau, với chiếc ghi ta gỗ, Lương Vĩnh trình diễn ngay ca khúc tại trụ sở Ðoàn ca múa Hải Phòng. Người hát cũng chính là Lương Vĩnh. Khán giả đầu tiên là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Lê Yên và chị Ngọc diễn viên múa, vợ Lương Vĩnh. Bắt gặp những tia hân hoan trong ánh mắt người nghe, Lương Vĩnh mường tượng ca khúc mình đã đứng được!

MỚI - NÓNG
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
TPO - Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II thuê nhà đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và không trả lại nhà, đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
TPO - Vụ "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục xôn xao về việc một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội bị bắt giữ. Điều đáng nói phần lớn đối tượng trên đều chưa đủ tuổi trưởng thành.