Giải thể, chuyện buồn của bóng đá Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong vụ lùm xùm nhà tài trợ, bầu Đức của HAGL từng đe dọa “bỏ V-League 2023, giải tán đội bóng”. Nếu điều này thành sự thật sẽ không làm ai ngạc nhiên bởi ở Việt Nam, chuyện giải thể đội bóng quá thường xuyên và dễ dàng.

Một con số khiến tất cả phải giật mình, trong thập kỷ qua, chỉ tính riêng V-League có tới 8 đội bóng biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Tất cả hẳn không quên năm hạn của bóng đá Việt 2012, khi có tới 3 đội bóng tuyên bố giải thể. Đó là Hà Nội ACB sau khi ông bầu Nguyễn Đức Kiên dính vòng lao lý, Khatoco Khánh Hòa ngừng hoạt động rồi Navibank Sài Gòn tuyên bố giải tán sau 2 tháng rao bán bất thành.

Giải thể, chuyện buồn của bóng đá Việt Nam ảnh 1

Than Quảng Ninh là CLB gần nhất ngừng hoạt động vì thiếu kinh phí

Sang năm 2013, đến lượt Sài Gòn Xuân Thành rời sân chơi. Ông bầu Nguyễn Đức Thụy bất mãn với VFF chỉ là cái cớ, bởi trước đó ông đã cắt giảm đầu tư vì không còn đam mê bóng đá. Chán bóng đá cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ông bầu Hoàng Mạnh Trường xóa sổ Ninh Bình. 9 cầu thủ bán độ tại AFC Cup 2014 là cú sốc quá lớn với người từng bạo chi để tạo nên đội bóng mạnh mẽ, đoạt cả Cúp Quốc gia và Siêu cúp Quốc gia năm 2013.

Nhưng đó là chuyện của năm 2015. Trước đó, Kiên Giang (2013) và Hùng Vương An Giang (2014) lần lượt giải thể với lý do thiếu kinh phí, nợ lương kéo dài dẫn đến cầu thủ đình công. Sau nhiều năm, tiền bạc vẫn là bài toán khó giải với nhiều đội bóng Việt. Năm 2021, Than Quảng Ninh cũng dừng hoạt động khi không thể chi trả tiền lương, thưởng và phí lót tay cho cầu thủ. Đội bóng được thành lập năm 1956 và là niềm tự hào của người dân đất mỏ chính thức đi vào dĩ vãng.

Hơn hai thập kỷ gắn mác chuyên nghiệp, song các CLB bóng đá Việt Nam vẫn vật lộn để có thể tự nuôi sống bản thân. Thu nhập từ bán vé, áo đấu và các hợp đồng thương mại quá ít ỏi, thậm chí gần như không có. Dễ thấy hầu hết các đội bóng đã giải thể đều do nguyên nhân thiếu kinh phí. Họ buộc phải tự kết thúc cuộc sống khi không thể dựa dẫm vào hầu bao cũng như tình yêu bóng đá của các ông bầu. Các đội bóng giàu truyền thống đột nhiên biến mất, hoặc bán mình, rồi thay tên đổi chủ diễn ra như cơm bữa.

Chính vì vậy, sự ổn định duy nhất của V-League chính là tính bất ổn của nó. Và tình trạng này sẽ còn kéo dài, tương tự câu hỏi bao giờ bóng đá Việt mới thực sự “lên chuyên”?

MỚI - NÓNG