Nay, các ứng dụng công nghệ mới xuất hiện, ít ai ngờ nó lập tức trở thành đối thủ đáng gờm.
Để có một chiếc taxi hoạt động, ngoài tiền vay mượn mua xe, tài xế phải chịu phí thương hiệu của hãng (thường gọi là phí tem - mào; hãng ít khoảng 50 triệu đồng, hãng tên tuổi lên đến 100 triệu). Khi xe vận hành, hằng tháng, lái xe phải nộp phí quản lý, sử dụng dịch vụ bộ đàm của hãng (từ 1,5 đến 2,5 triệu đồng/tháng). Trong khi hoạt động, một chiếc taxi phải chịu đủ các chi phí rơi vãi kèm bao khổ ải: Tài xế phải lòng vòng xe không trên phố để vợt khách. Khi “em Tâm” (cách đùa của cánh tài xế taxi gọi nhân viên trung tâm tổng đài) báo có khách, lái xe vào số, rú ga “đua điểm”. Kẻ đón được khách cười khẩy; kẻ đến sau đập bồm bộp vào vô lăng. Những cuốc xe đi tỉnh, tài xế một mình chở gió quay về. Chi phí cho bộ máy cồng kềnh, bình xăng vơi đi vì những chuyến đi vô ích là lý do các hãng đưa ra khi để không chịu giảm giá khi giá xăng dần lao dốc.
Những chi phí vô ích và những nỗi đau nghề đó đã được các dịch vụ gọi xe thông minh như GrabTaxi, Uber, Easy Taxi, Fasttaxi giảm thiểu tối đa. Có thể hình dung về dịch vụ này như sau: Vị trí của lái xe taxi và khách hàng được xác định qua chiếc điện thoại kết nối internet. Sau đó, các phần mềm này sẽ chọn cho hành khách những chiếc xe ở vị trí gần nhất.
Bằng cách này, các chuyến đi của taxi được tối ưu; những con đường chật chội không phải gánh thêm những chuyến xe lò dò kiếm khách; lái xe cũng bớt căng thẳng. Quan trọng nhất, chi phí vận tải và giá cước sẽ giảm theo. Hiện tại, GrabTaxi khuyến mãi cho khách từ 15.000 - 30.000 đồng/chuyến. Cũng loại xe 5 chỗ, Uber chỉ thu của khách 5.000 đồng/km, chưa bằng một nửa so với giá cước taxi hiện tại. Những lợi ích sát sườn sẽ kéo hành khách đến với các dịch vụ gọi xe qua mạng và quay lưng dần với các dịch vụ taxi truyền thống cũng là điều dễ hiểu. Về lâu dài, các ứng dụng công nghệ gọi xe này sẽ sử dụng những dữ liệu chuyến đi của khách biến thành các tài nguyên để ứng dụng cho các mục tiêu kinh doanh khác; thậm chí, dùng làm cơ sở để quy hoạch thành phố.
Nhiều lãnh đạo hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp taxi đang bảo thủ, tìm cách ngăn chặn sự lan tỏa của các ứng dụng này để cố giữ những quyền lợi của mình. Nhưng như ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nói, đây là xu thế công nghệ của thế giới. Đã là xu thế, các hãng taxi truyền thống khó mà cưỡng lại! Vậy, ngay từ bây giờ taxi truyền thống nên toán tính ngay giải pháp tự cứu mình, không sẽ là muộn!