Quyền “kết thúc trận đấu” nay ở trong chân Hội đồng Tiền lương quốc gia. Tranh cãi liên quan đến mấy con số: 16, 8 %, 10 %. Tức là theo đề xuất của Liên đoàn Lao động, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 so với năm 2015 là 16,8 %, quy ra con số cụ thể là từ 350.000-550.000 đồng tùy vùng. Còn VCCI với “thân chủ”” là các doanh nghiệp thì đề xuất 10%, tương đương 150.000-250.000 đồng.
Tranh luận căng thẳng vì ai cũng có lý. Lương công nhân đã không đủ sống vì theo thống kê, mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng hơn 70% mức sống tối thiểu, nay chỉ tăng nhỏ giọt. Tuy nhiên, tăng “nhiều quá” thì doanh nghiệp không đủ chi trả, không có lãi, làm sao duy trì doanh nghiệp, duy trì công ăn việc làm để mà “đòi tăng lương”.
Dường như đây là câu chuyện dài kỳ con gà-quả trứng ở nước ta. Mỗi lần bàn tăng lương là một lần tranh cãi tăng bao nhiêu, tăng như thế nào. Có người nói tăng lương là việc phải làm và khó tránh khỏi, nhưng phải làm thế nào để hài hòa lợi ích các bên. Cho dù ai cũng có lý và ai cũng có lý do để “bảo vệ thân chủ” của mình, nhưng điều quan trọng là đối tượng thụ hưởng chuyện tăng lương là những người lao động thấy sao, nghĩ sao về việc này? Lương tăng thêm hơn hai trăm ngàn, hoặc hơn năm trăm ngàn đi nữa, thì cuộc sống của người lao động có thay đổi không. Trớ trêu là trong nhiều trường hợp, trong những lần tăng lương trước đây, câu trả lời là không. Bởi nếu tăng quá sức chịu đựng của doanh nghiệp thì họ sẽ phải tính toán lại, thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí giải tán doanh nghiệp, phá sản. Người lao động mất việc làm.
Trong khi mức tăng kia chẳng giải quyết được điều gì bởi lương công nhân luôn chạy sau tốc độ lạm phát, luôn chạy sau mỗi đợt tăng giá đón đầu tăng lương. Về lý thuyết, nếu tăng lương, xã hội, người dân có thêm một lượng tiền nhất định để tiêu dùng và điều này cũng kích thích nền kinh tế, kích thích sản xuất. Tuy nhiên thực tế nhiều năm qua cho thấy tăng lương lại chỉ dẫn đến tăng lạm phát và đời sống công nhân vẫn khó khăn, đồng lương teo tóp vẫn không có gì được cải thiện. Vậy thì mấu chốt vấn đề không phải là tăng lương, mà làm sao để người lao động sống được bằng lương. Có nghĩa là tăng lương ở mức đảm bảo đời sống của người lao động nhưng cũng phải có những cải cách, đổi mới, thiết kế một cơ chế quản lý hiệu quả, giảm thủ tục, giảm rủi ro và các nguy cơ của doanh nghiệp để họ làm ăn có lãi, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.