Động lực cần và đủ

Động lực cần và đủ
TP - Trong một lần trả lời báo Tiền Phong, GS.TS Trần Thanh Vân, nhà khoa học Việt kiều nổi tiếng thế giới có nói “Tương lai của Việt Nam thuộc về các nhà khoa học trẻ”.

Việt Nam xuất phát điểm là một quốc gia thuần nông. Dù đã thoát khỏi danh sách những nước nghèo với thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 2.200 USD nhưng vẫn còn cách rất xa so với mức thu nhập 5.600 USD/người/năm của nhóm các nước có thu nhập trung bình. Con đường nào để đất nước chúng ta phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh và hội nhập? Đó là phát triển KHCN và con đường đó phụ thuộc nhiều vào các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ.

“Chúng tôi biết các khó khăn mà nhà khoa học trẻ gặp phải và chúng tôi đang từng ngày tháo gỡ những khó khăn ấy”, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc chia sẻ. Thời gian qua, nhiều chính sách mới trong KHCN được ban hành, gỡ được những nút thắt trong nghiên cứu khoa học bấy lâu nay. Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của nhiều nhà khoa học đã được cải thiện. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học trẻ bày tỏ mong muốn, sẽ còn nhiều hơn nữa những chính sách thiết thực để nhà khoa học trẻ thực sự chuyên tâm cho nghiên cứu, không phải bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền, để đam mê thực sự bùng cháy.

Mỗi thành quả mà nhà khoa học đạt được không ghi dấu ấn một người mà là kết quả của nhiều thứ cộng hưởng. GS Ngô Bảo Châu, trong bài phát biểu vào tháng 8/2010, sau khi nhận Giải thưởng Fields có gửi lời cảm ơn đến cha mẹ-những nhà khoa học đã truyền cho ông đam mê. Gửi lời cảm ơn tới người thầy, người cô từ thủa cấp 2, cấp 3 và những GS sau này. GS nói: “Trong cộng đồng Toán học Việt Nam, việc người đi trước nắm tay người đi sau là một chuyện tự nhiên... tinh thần thương yêu, đoàn kết của cộng đồng Toán học Việt Nam là một cái gì rất hiếm hoi, đáng quí. Nếu không có tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau, cùng với tinh thần nghiêm khắc, không bao che cho những yếu kém về học thuật, thì toán học Việt Nam cũng như các ngành khoa học khác, sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để tiến bộ”. Các nhà khoa học trẻ giao lưu với độc giả Tiền Phong cũng chia sẻ thành công của họ là nhờ được sống trong một môi trường khoa học, được những người thầy dẫn dắt tận tình, được những đồng nghiệp tâm huyết. Môi trường làm việc tiên tiến, thông thoáng, cơ chế đãi ngộ tốt là điều kiện cần nhưng sự “truyền lửa của những người thầy”, sự nhiệt huyết của những đồng nghiệp và một môi trường làm việc đoàn kết, văn minh mới là động lực đủ cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam vươn cao và vươn xa.

MỚI - NÓNG