Bến Tre:

Giải oan lộ ra tiêu cực

Giải oan lộ ra tiêu cực
TP - Ở tỉnh Bến Tre, vụ án oan sai để lại hậu quả nặng nề là vụ bắt giam doanh nhân Lưu Việt Hồng. Trong quá trình đi tìm nguyên cớ “cái sảy nảy cái ung” của vụ án, PV Tiền phong phát hiện tiêu cực chính lại từ ông chồng của bà Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre.

Xuất phát của vụ án oan sai là món tiền nhỏ ngân sách nhà nước nợ ông Lưu Việt Hồng.

Năm 1988, ông Hồng là chủ một doanh nghiệp ở xã Nhơn Thạnh (TX Bến Tre) ký hợp đồng với Phòng Giao thông TX Bến Tre làm con đường 887. Làm xong, Phòng Giao thông chỉ trả hơn nửa số tiền, còn 41.955.070 đồng thì khất lần.

Ông Hồng kiện và Trọng tài kinh tế tỉnh Bến Tre phán quyết: Phòng Giao thông phải trả món nợ cho ông Hồng.

Tiếp đó, UBND TX Bến Tre và UBND tỉnh Bến Tre có nhiều quyết định yêu cầu Phòng Giao thông cùng Phòng Tài chính Kế hoạch (Phòng TC-KH) TX Bến Tre trả nợ nhưng nợ vẫn không trả.

Ông Hồng đang xây dựng nhiều công trình, bị ngân sách nợ kéo dài nên ông cũng mang nợ với một số tổ chức tín dụng. Ngày 12/6/1990, ông Hồng bị bắt giam và ngày 1/6/1991, Viện KSND tỉnh Bến Tre có cáo trạng truy tố ông tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.

Sau 8 tháng ở tù và 10 năm kêu đòi công lý, ngày 16/6/2000, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM tuyên ông vô tội. Thêm 7 năm nữa, ngày 5/9/2007, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm buộc Viện KSND Bến Tre bồi thường oan sai cho ông Hồng 350.246.000 đồng.

Món nợ 41.955.070 đồng (nợ gốc) vẫn nguyên và ông Hồng phải kiện vụ khác. Phải chăng thuở nào, TX Bến Tre nghèo không có tiền trả món nợ nhỏ?

Nhưng có trên 3 tỷ đồng lập “quỹ đen”

PV Tiền phong tìm được “Báo cáo kết quả thanh tra việc quản lý ngân sách và lập quỹ của Phòng TC-KH” ngày 23/12/1998 của Thanh tra tỉnh Bến Tre. Thời điểm ấy, TX Bến Tre không có tiền trả nợ cho ông Hồng bởi các nguồn tiền đã bị Phòng TC-KH đem lập “quỹ đen” chi tiêu vô tội vạ.

Theo báo cáo vừa nêu: Tiền ngân sách, tiền thu từ 10 DNNN giải thể, tiền bán tài sản… hầu hết biến thành “quỹ đen” để đem cho vay mượn, chi tiêu thiếu hóa đơn, thiếu cả sổ sách theo dõi. Có nhiều khoản tiền lớn không biết đã chi cho ai, làm gì (?).

Phòng TC-KH cùng một số cá nhân, tập thể ở thị xã còn đem tài sản công thành lập Cty TNHH Đồng Tâm và luân chuyển lòng vòng gần 400 triệu đồng trong nhiều năm để trục lợi cá nhân.

Tổng số tiền “quỹ đen” là 3 tỷ 466 triệu đồng và Báo cáo Thanh tra kết luận: “Đây là sai phạm nghiêm trọng của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân sách (Phòng TC-KH)”.

Sai phạm của Phòng TC-KH diễn ra liên tục trong hàng chục năm. Trước cuộc thanh tra năm 1998 đã có 3 cuộc thanh tra ở Phòng TC-KH. Báo cáo Thanh tra năm 1998 viết: “Các kiến nghị của 3 đoàn thanh tra và các văn bản yêu cầu của đoàn, Phòng TC-KH đều không thực hiện đầy đủ thể hiện việc xem thường kiến nghị của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra”.

Bắt chủ nợ để bao che con nợ?

Trưởng phòng TC-KH để xảy ra nhiều sai phạm là ông Phạm Phan Khoa. Năm 1997, ông Khoa chuyển lên lãnh đạo thị xã Bến Tre cho đến năm 2006 nghỉ hưu với chức vụ Phó Bí thư Thị ủy.

Ông Phạm Phan Khoa là chồng của bà Huỳnh Thị Kim Uyên, từ năm 1991 bà Uyên là Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre và từ năm 1996 là quyền Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện này cho đến năm 2006 thì nghỉ hưu.

Những sai phạm được phát hiện ở Phòng TC-KH sau đó hầu như không được xử lý, các thất thoát tiền bạc rơi vào im lặng. Tiếng kêu oan của ông Lưu Việt Hồng cũng rơi vào im lặng suốt thời gian dài. Phải chăng oan sai kéo dài đối với “chủ nợ” Lưu Việt Hồng có nguyên nhân bao che cho sai phạm của “con nợ” là Phòng TC-KH TX Bến Tre?

Hậu quả oan sai để lại bây giờ rất lớn ở nhiều mặt. Xác định đúng căn nguyên để xử lý và loại trừ, nhằm giảm bớt oan sai trong tố tụng và giảm thiệt hại cho xã hội đang là vấn đề thời sự.

MỚI - NÓNG