Giấc mơ đại đồng phá sản

Giấc mơ đại đồng phá sản
TP - Với việc 52% người dân Anh được hỏi đồng ý, nước này sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hiện có 28 thành viên. Quyết định gây bất ngờ này thực ra cũng “đỡ” bất ngờ bởi đó là người Anh.

Lâu nay, dân Anh nổi tiếng với phong cách “phớt” Ăng-lê không giống ai và cũng không cần giống ai, không cần quan tâm đến ai, chỉ biết mình là đủ.

Phong cách ấy vẫn được duy trì cho đến ngày nay và hiện diện mọi nơi có người Anh xuất hiện. Mặc dù là thành viên EU, Anh (cùng  Đan Mạch, Thụy Điển và một số nước khác) không dùng đồng tiền chung châu Âu euro. Xứ sở sương mù, biệt lập với phần còn lại của Lục địa già, là nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, chỉ sau Đức, là một trong các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là một đồng minh thân cận của Mỹ.

Ôm nhiều trách nhiệm và đứng vào hàng vai vế hàng đầu thế giới nhưng trước những lợi ích riêng, đa số người dân Ăng-lê đã bỏ phiếu ủng hộ một con đường đi riêng. Trước quyết định ra đi của Anh, người ta đã chứng kiến một châu Âu chia rẽ và hỗn loạn. Brussels, thủ đô nước Bỉ bấy lâu thanh bình, được coi là kinh đô châu Âu bởi trụ sở của EU đóng ở đây, giờ cũng có lúc chìm trong khói bom, sặc mùi khủng bố. 

Trước đó ít lâu, dân Đức xuống đường phản đối Thủ tướng Angela Merkel vì cho rằng bà quá cứng rắn khi ép Hy Lạp thắt lưng buộc bụng. Nhưng 55% dân Đức được hỏi đồng ý với Thủ tướng, cho rằng chẳng nên lấy tiền thuế của họ hỗ trợ Hy Lạp, một nước mà theo họ có quá nhiều người chỉ biết tiêu xài, không biết làm ra tiền.

Việc đứng chân trong EU cũng khiến nhiều vấn đề chung trở thành gánh nặng riêng của một số thành viên. Cuộc khủng hoảng dân tị nạn, người nhập cư mà Pháp và nhiều nước trong liên minh phải đau đầu giải quyết, đi kèm là chủ nghĩa khủng bố một lần nữa gây chia rẽ, thúc đẩy những ý tưởng về một sự “ly thân” nào đó từ các thành viên. 

Đối với nước Anh, chỉ riêng năm 2015, đã phải đón 330.000 người nhập cư, chiếm hơn một nửa số người nhập cư vào EU mà Thủ tướng Anh David Cameron bị cho là đã không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Dân Anh chính gốc chẳng thèm để ý sự đóng góp của người nhập cư vào nền kinh tế nước này.

Thứ luôn ám ảnh đầu óc của “một bộ phận” người Anh gốc là một xã hội Anh ngày càng “tạp chủng”, bên cạnh đó là áp lực lên hệ thống giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà cửa.

Sau Anh, sẽ là nước nào? Câu trả lời còn đang ở thì tương lai, nhưng chắc chắn một điều là châu Âu sau sự ra đi của Anh đã chia rẽ lại càng thêm chia rẽ. Giấc mơ về một thế giới đại đồng châu Âu đang bên bờ vực phá sản.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.