Phục tùng chân lý

Phục tùng chân lý
TP - Chúng ta đang sống trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp và khó lường.Tình hình trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi công tác báo chí phải có sự đổi mới không ngừng để phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong việc chi phối, định hướng thông tin.

Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của công nghệ truyền thông yêu cầu chúng ta phải có một cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử và tiến tới là mạng xã hội. Báo chí cần liên tục đổi mới, sáng tạo để tìm ra hướng đi mới, nội dung mới, phương pháp làm báo mới, cách đưa tin mới thì mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Sự thành công của báo chí, thông tin truyền thông có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng và phát triển đất nước ta.

Nhân đây, tôi nói thêm: Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi to lớn đối với tất cả chúng ta, từ cách thức điều hành chính phủ, cách thức làm báo, sự tương tác giữa Chính phủ và người dân cũng như nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Khả năng tiếp cận internet đã mang tới cho người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt 49 triệu dân, chiếm 52% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á, thứ 13 thế giới. Số thuê bao 3G đạt trên 36 triệu. Có thể nói truyền thông và internet đã trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ người dân, nhất là nông dân làm kinh tế, kết nối và hợp tác.

Ở Quảng Ngãi, nhờ học hỏi kiến thức nhà nông từ báo và thông tin mạng, trang trại hơn 20 sào vừa thanh long ruột đỏ, bầu, cà, ớt... của anh Lâm Văn Chánh ở Mộ Đức cho thu hoạch từ 50-70 triệu đồng. Ở Đà Nẵng, anh Nguyễn Phú Phúc xã Hòa Tiến nhờ tìm hiểu tình hình thời tiết, kỹ thuật trồng cây qua báo mạng nên vườn hoa Tết năm rồi đã không bị hư hại do thời tiết thất thường, thu lãi 35 triệu đồng. 

Đặc biệt, nhờ kiến thức từ báo và internet, những người nông dân làng Vũ Đại đã trở nên nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài với món cá kho, đem lại thu nhập cao và việc làm cho nhiều người lao động. Rồi các chương trình phát thanh, truyền hình đã giúp tìm lại những người thân, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích những việc làm tốt đẹp. Tóm lại, báo chí và thông tin đã góp phần thay đổi cuộc sống của từng người dân một cách ý nghĩa như vậy, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời của biết bao người.

Bác Hồ đã từng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Tôi mong muốn mỗi nhà báo và toàn ngành thông tin truyền thông hãy thực hiện đúng lời dạy của Bác, hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân và chân lý. Mỗi người trong chúng ta đề cao trách nhiệm và sứ mệnh của mình với xã hội, nghĩa vụ của một công dân đối với đất nước, không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

(Trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.