Nói 19 tiêu chí lắm lúc trở nên rối rắm, đôi khi vì nhiều lý do hoặc chủ quan hoặc khách quan mà bị hiểu sai. Bởi nâng cao đời sống thì chắc chắn xoay quanh mấy vấn đề: thu nhập, môi trường tự nhiên và đời sống tinh thần, các tiện ích đời sống và cơ hội phát triển. Vậy là đã quá đủ. Nông thôn mới không cần tới 19 tiêu chí hoặc có thể cần nhiều hơn thế, nhưng chung quy lại, cốt yếu là phải giải quyết mấy vấn đề trên.
Là phải nâng cao thu nhập đầu người của nông dân, người sống ở nông thôn, đảm bảo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội không bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng đảm bảo. Không người nông dân nào muốn bỏ làng quê lên thành phố vạ vật làm thuê nếu ở quê mà đời sống vật chất được đảm bảo, gia đình, vợ chồng con cái sống quây quần, ốm đau có bệnh viện, có đủ phương tiện khám chữa bệnh, bác sỹ giỏi…
Chính vì thế, chiếu vào thực tế, một xã, một huyện đạt đủ các chuẩn nông thôn mới nhưng thu nhập của người dân vẫn chưa đạt mức sung túc, có trường học, có trạm y tế nhưng người dân vẫn phải đổ lên thành phố khi đau yếu, môi trường vẫn ngày càng bị tàn phá… thì nông thôn mới không có ý nghĩa gì cả.
Trong các cuộc xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương vừa qua, điều đáng tránh nhất trong các phong trào ở nước ta lại vẫn lặp lại: thiếu thực chất, nặng tính phong trào, bệnh thành tích vẫn lộ rõ. Người dân chưa thực sự được hưởng lợi còn sự thất thoát vốn, kém hiệu quả của các dự án nhiều nơi nhiều chỗ vẫn bị tu duy “chấm mút” của “một bộ phận” quan chức địa phương làm cho trầm trọng thêm.
Chương trình phát triển nông thôn theo chủ trương xây dựng các xã, các huyện nông thôn mới đã đi được quãng đường gần 10 năm và bộc lộ rõ nhiều thiếu sót, khiếm khuyết. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần ngồi lại “khám” tổng thể chương trình này, mổ xẻ tới nơi tới chốn để nhìn nhận chính xác những điểm chưa phù hợp.
Có cần thiết xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới hay không? Xét về tính khoa học cũng như đòi hỏi tính định lượng trong công tác quản lý, vẫn cần có các tiêu chí. Nhưng để nâng cao đời sống của người dân nông thôn, bộ tiêu chí này thực ra rất đơn giản, không cần cầu kỳ phức tạp bởi những nhu cầu phát triển của một cộng đồng cũng chỉ cần vài gạch đầu dòng.
Nhưng để nông thôn mới thực sự là nông thôn mới, các biện pháp thực thi lại cần được hoạch định cực kỳ chặt chẽ, chi tiết và điều cần thiết là tránh sự hô hào chung chung, tránh tư duy thành tích. Xét theo khía cạnh này, có thể nói nông thôn mới muốn thành công cần sự vào cuộc từ cấp cao nhất và sự chuyển động đồng bộ của cả bộ máy chính quyền từ cấp cao đến cơ sở.
Dịch chuyển cơ cấu kinh tế, chính sách cho các vùng kinh tế với những điểm mạnh yếu khác nhau cùng các kế hoạch thực thi chi tiết là quá sức đối với chính quyền cấp cơ sở.