'Giá xe ô tô Việt Nam hiện nay thuộc hàng cao trên thế giới'

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Giá xe Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá xe của Việt Nam cao hơn nhiều, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60-80%.

Phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng và chính sách phát triển công nghiệp ô tô” tổ chức sáng 8/12, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù có mức tăng trưởng lớn nhưng quy mô thị trường ô tô Việt Nam vẫn thấp, giá xe cao hơn nhiều nước khác.

Theo bà Thúy, giá xe Việt Nam hiện nay đang thuộc hàng cao trên thế giới. So với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, giá xe của Việt Nam cao hơn nhiều, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60-80%.

Lý giải thực trạng này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chính là bởi thuế, phí còn lớn và tốc độ giảm thuế cũng chậm hơn.

Hiện mỗi ô tô tại Việt Nam, cụ thể với dòng xe con dưới 9 chỗ, phải chịu 3 loại thuế bắt buộc là thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp tại Việt Nam hoặc thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc với mức cao nhất lên tới 70%; thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45 - 60% tùydung tích xe; thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng được tính vào giá xe.

Riêng về thuế tiêu thụ đặc biệt, theo một báo cáo từ Bộ Tài chính, so với 9 nước ASEAN thì mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000 cm3 ở Việt Nam là 45% cao hơn so với mức trung bình của 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức mới đây, nhóm công tác công nghiệp ô tô - xe máy (thuộc VBF) cũng một lần nữa đề cập tới vấn đề thuế cao và các lệ phí đánh vào mặt hàng ô tô. VBF cho rằng, tương lai của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các chính sách thuế và lệ phí của Chính phủ. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng vai trò rất quan trọng.

Về khuyến nghị chính sách, các chuyên gia nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần loại bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được. Đồng thời, rà soát những loại thuế khác và tất cả những lệ phí liên quan đến ô tô phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được phê duyệt.

Một trong số những nguyên nhân khiến thuế phí cao được cho là để hạn chế nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi để xe khổng lồ” trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

Trao đổi về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du - Giám đốc Đào tạo, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: “Cần sự đánh đổi quyền lợi cá nhân và lợi ích chung của xã hội. Nếu đi xe gây kẹt xe cho cả thành phố, gây tắc nghẽn giao thông diện rộng, ví dụ, vì lợi ích người dùng 1 đồng nhưng gây hậu quả 100 đồng thì phải tìm cách ngăn việc sử dụng và cần làm cân bằng”.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG