Cụ thể: giá SJC do tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, niêm yết lúc 11 giờ 30, mua vào 44,65 triệu đồng/lượng, bán ra 44,85 triệu đồng/lượng.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, lúc 11 giờ 20, còn 44,53 triệu đồng/lượng trên chiều mua và 44,70 triệu đồng/lượng trên chiều bán.
Hệ thống Sacombank niêm yết giá vàng miếng SBJ, lúc 11 giờ, là 44,58 – 44,78 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Lúc 11 giờ 10, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng điều chỉnh giá vàng SJC mua vào còn 44,53 triệu đồng/lượng, bán ra 44,78 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày hôm qua, vàng trong nước mất khoảng 360.000 đồng/lượng trên giá mua và 310.000 đồng/lượng trên gái bán.
Thị trường hàng hóa và kim loại quý đêm 8-12 đã trải qua một phiên giao dịch ảm đạm, sau khi đón nhận thông tin Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không có kế hoạch mua thêm chứng khoán nợ của khu vực.
Mặt khác, như dự đoán của giới chuyên môn, ECB tiếp tục giảm lãi suất cho vay cơ bản thêm 0,25 điểm %, đã tác động mạnh lên thị trường tiền tệ, kéo đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần so với yen Nhật, đồng thời giảm 0,3% so với đồng USD.
Hàng hóa, dẫn đầu là dầu thô, cũng giảm xuống dưới 100USD/thùng – mức thấp nhất trong hơn một tuần, với giá các hợp đồng dầu ngọt, nhẹ giao sau tháng 1 tại Mỹ giảm 2,15USD còn 98,34USD/thùng.
Sau khi tăng mạnh lên khu vực 1.755USD/Oz vào cuối phiên giao dịch tại châu Âu và đầu phiên giao dịch tại Mỹ, giá vàng nhanh chóng đảo chiều, lao dốc không phanh về vùng 1.700USD/Oz.
Khép phiên giao dịch đêm 8-12 tại New York (Mỹ), vàng giao sau tháng 2 giảm 31USD còn 1.713,80USD/Oz, trong khi vàng giao ngay mất 33USD còn 1.710,50USD/Oz. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ghi nhận đây là biên độ giảm mạnh nhất của vàng trong ba tuần qua.
Chứng khoán Mỹ phiên cũng mất điểm mạnh trước thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh châu Âu. Các chỉ số chính S&P 500 và Dow Jones đóng cửa giảm lần lượt là 1,6% và 2,1%.