Gia tăng 'nhận diện Việt Nam' trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các nước ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa trong quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế. Việt Nam cũng sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết như vậy trong cuộc trả lời báo chí về ngoại giao văn hóa (NGVH) nhân dịp đầu năm mới. Theo ông Ngọc, những năm gần đây, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song các nguy cơ, thách thức cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là tác động từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trước bối cảnh đó, các nước dù lớn hay nhỏ đều tăng cường công tác NGVH trong đối ngoại nhằm tạo dựng lòng tin, củng cố ảnh hưởng và gia tăng “sức mạnh mềm” quốc gia.

Gia tăng 'nhận diện Việt Nam' trên toàn cầu ảnh 1

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO, cùng đoàn công tác đến thăm quần thể di tích cố đô Huế ngày 7/9/2022 Ảnh: Chinhphu.vn

Với Việt Nam, vai trò của NGVH được xác định rõ trong “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”. Đó là đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định; bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế -

xã hội; đồng thời tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế quốc gia.

Ông Ngọc khẳng định, Việt Nam sở hữu những tài sản vô giá thuộc “sức mạnh mềm”, hiếm dân tộc nào có được. Các nước châu Phi, Mỹ La-tinh ngưỡng mộ, coi Việt Nam “2 lần anh hùng” - anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và anh hùng trong đổi mới và phát triển. Trao đổi với lãnh đạo Việt Nam, nhiều lãnh đạo quốc tế khẳng định, Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác; Việt Nam chính là câu trả lời cho nhiều vấn đề phức tạp của thế giới hiện nay.

“Đây là những thuận lợi mới, tạo thêm xung lực mới để chúng ta gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên phạm vi toàn cầu”, ông Ngọc nói.

Nhiều điểm sáng

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, NGVH của Việt Nam trong năm 2022 có nhiều điểm sáng. Nội hàm văn hóa đã được vào các hoạt động của lãnh đạo cấp cao thăm các nước và trong việc đón tiếp lãnh đạo các nước tới Việt Nam; đăng cai tổ chức các hội nghị, sự kiện khu vực, quốc tế lớn ở trong nước như SEA Games 31, hay ở nước ngoài như Chương trình Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc, Áo, Ấn Độ…

Mỹ xác định ngoại giao công chúng hay ngoại giao văn hóa (NGVH) xếp thứ ba trong bốn mục tiêu chính của chính sách đối ngoại, góp phần củng cố an ninh quốc gia, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc nỗ lực xây dựng hình ảnh quốc gia đáng tin cậy, coi trọng NGVH không chỉ trong cạnh tranh tổng thể sức mạnh quốc gia mà còn trong đoàn kết, thúc đẩy tự tôn dân tộc. Pháp duy trì 140 trung tâm văn hóa trên toàn thế giới. Đức có hệ thống Viện Goethe, Anh có hệ thống Hội đồng Anh. Hàn Quốc nổi tiếng với “làn sóng Hàn” đã tạo nên nền công nghiệp văn hóa, trị giá tới 114 tỷ USD.

Năm 2022, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể, lần đầu tiên cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên 3 cơ chế quan trọng của UNESCO. Chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu UNESCO, bà Audrey Azoulay, cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Truyền thông thế giới nhân dịp này đưa nhiều tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Bà Tổng Giám đốc UNESCO bày tỏ ấn tượng trên trang cá nhân trước những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa.

Năm 2022, Việt Nam có thêm 4 danh hiệu/di sản được quốc tế ghi danh, gồm nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; bia ma nhai Ngũ Hành Sơn và hệ thống văn bản làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943) được ghi danh vào danh mục di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương; thành phố Sa Đéc chính thức trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Nhiều địa phương tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, ngoại giao văn hóa lớn, qua đó vừa tăng cường bảo tồn vừa phát huy các giá trị di sản, văn hóa vùng miền, góp phần khơi dậy tự hào, đoàn kết dân tộc, thu hút đầu tư, du lịch, tạo nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với các danh hiệu mới ghi danh, Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản văn hóa tư liệu, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO… Các danh hiệu này cho thấy sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa, thiên nhiên, tư liệu của thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn. Đây là nguồn tài nguyên phong phú hỗ trợ các địa phương sở hữu di sản phát triển du lịch, kinh tế...

MỚI - NÓNG