Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 10%

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 22 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng 10% ảnh 1
Giá giường bệnh bảo hiểm y tế tăng khoảng 10%

Bộ Y tế cho biết, mức giá này được áp dụng từ ngày 17/11, thay thế mức giá quy định trong Thông tư 39/2018 và Thông tư 13/2019 của Bộ Y tế. Nhìn tổng thể, mức giá điều chỉnh các dịch vụ tăng khoảng 10%.

Cụ thể, giá khám bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt (như Bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108) tăng từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng. Giá khám tại các Trạm Y tế xã nâng từ 27.500 lên 30.100 đồng. Mức tăng ở bệnh viện hạng I từ 38.700 đồng lên 42.100 đồng; bệnh viện hạng II từ 34.500 đồng lên 37.500 đồng; bệnh viện hạng III từ 27.500 đồng lên 30.100 đồng. Giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu cũng ghi nhận mức tăng theo từng hạng bệnh viện. Cụ thể như ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá tăng lên 509.400 đồng (tăng 51.400 đồng); hạng I là 474.700 đồng (tăng 47.700 đồng); hạng II là 359.200 đồng (tăng 34.200 đồng)...

Giá ngày giường bệnh hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc cũng tăng khoảng trên dưới 10% tùy thuộc vào hạng bệnh viện. Cụ thể, giá giường bệnh này của hạng đặc biệt có giá mới là 867.500 đồng (tăng 85.500 đồng), giá ở hạng I là 786.00 đồng (tăng 80.700 đồng), hạng II là 673.900 đồng (tăng 71.900 đồng). Giá xét nghiệm và kĩ thuật của hơn 1.900 dịch vụ cũng thay đổi. Đơn cử, giá dịch vụ siêu âm tăng từ 43.900 đồng lên 49.300 đồng. Chụp CT Scanner đến 32 dãy có thuốc cản quang tăng từ 632.000 đồng tới 643.000 đồng...

Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính cho 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% giá dịch vụ ngày giường bệnh theo từng loại chuyên khoa quy định. Bộ Y tế nêu rõ, trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 4 giờ đến dưới 24 giờ thì được tính là 1 ngày điều trị.

Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 4 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kĩ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu; trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 4 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kĩ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú. Trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.

Bộ Y tế cũng cho rằng, tác động của việc tăng giá đối với nhóm người tham gia bảo hiểm y tế là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được bảo hiểm y tế thanh toán 100%, sẽ “không bị ảnh hưởng”. Với đối tượng phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoảng tăng thêm không nhiều, họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.

MỚI - NÓNG