Giá của... giá sàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ý kiến cho rằng quy định giá sàn vé máy bay là hợp lý và việc áp giá sàn là để bảo vệ doanh nghiệp, tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ đã gây chú ý đặc biệt của dư luận, doanh nghiệp trong ngành những ngày qua.

Thực tế cho thấy, dù thị trường hàng không nội địa ở Việt Nam có tới 6 hãng hoạt động nhưng thị phần lớn nhất vẫn nằm trong tay Vietnam Airlines, với gần 40%, và VietJet Air với hơn 30% thị phần. Các hãng khác như Bamboo Airways, Pacific Airlines, Viettravel chỉ là những cái tên nhỏ trong cuộc chơi hàng không ở hiện nay.

Còn nhớ cách đây vài năm, việc những hãng hàng không nhỏ chọn cửa ngách, mở ra nhiều tuyến bay với giá vé 0 đồng, khung giờ bay đa dạng, gắn liền với phát triển du lịch địa phương như Phú Yên, Côn Đảo, Bình Định, Buôn Ma Thuột, Gia Lai… đã giúp họ tăng thị phần khá nhanh chóng với hàng triệu khách bay. Kinh tế nhiều địa phương vì thế cũng thay đổi khi lượng khách gia tăng mạnh sau mỗi năm. Các nghiên cứu và thực tế của thế giới thời gian qua cũng cho thấy, cùng với việc đẩy mạnh cạnh tranh, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, kích cầu du lịch hợp lý sẽ giúp hàng không và kinh tế các địa phương bùng nổ.

Việc Phú Quốc và một số địa phương những ngày qua phải lên tiếng “kêu cứu” do du khách quay xe vì giá vé máy bay tăng cao cho thấy những mối nguy từ việc giá vé cao sẽ kìm chế sự phát triển ngành du lịch của cả một địa phương. Giá vé bay khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc lên đến 8 triệu đồng/cặp hoặc Hà Nội - Nha Trang; Hà Nội - Côn Đảo; Hà Nội - Đà Lạt với mức giá trên 6 triệu đồng/cặp cho thấy những điều khó hiểu của thị trường hàng không Việt hiện tại.

Nếu so với số tiền trên và những tua đi 4 ngày 3 đêm của các công ty du lịch đang mở bán đến các điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực châu Á như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc), Bali (Indonesia) hay BangKok (Thái Lan)… du khách Việt sẵn sàng ra nước ngoài chơi với hướng dẫn viên phục vụ 24/24h thay vì chỉ đủ tiền bay trong nước, chưa tính tiền đi lại, khách sạn, ăn uống…

Các doanh nghiệp du lịch, hàng không cũng bày tỏ lo ngại, việc áp giá sàn với hàng không sẽ khiến giá vé máy bay sẽ tăng, kéo theo tình trạng các hãng hàng không nhỏ khó tiếp cận được hàng chục triệu khách hàng ở phân khúc thấp. Chưa kể việc áp dụng giá sàn vào giá vé máy bay được xem như, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của ngành hàng không Việt Nam. Với doanh nghiệp, việc áp giá sàn vé máy bay chưa chắc đã giúp tăng thu trong bối cảnh hàng không và du lịch vẫn còn khó khăn sau dịch COVID-19.

Việc mới đây Hội An đưa ra đề xuất thu phí vào phố cổ rồi sau đó phải “quay xe” khi nhận được hàng loạt phân tích về tình trạng lợi bất cập hại từ chủ trương trên cũng là bài học cần tham khảo. Hội An sẽ thu được khoản tiền nhỏ nhưng hàng nghìn hộ kinh doanh sẽ chết mòn khi du khách quay lưng với phố cổ. Bài học can thiệp thị trường, áp giá sàn với vé hàng không cũng hoàn toàn có thể để lại hậu quả nặng nề nếu nhìn từ bài học Hội An vừa qua.

MỚI - NÓNG