Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn

0:00 / 0:00
0:00
Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn
TPO - Tại làng nghề nuôi tằm, dệt lụa truyền thống Phùng Xá ( Mỹ Đức, Hà Nội), có một người phụ nữ 70 tuổi dành cả đời để giữ gìn nghề truyền thống của làng và tìm hướng đi mới cho lụa, bà là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công lụa dệt bằng tơ sen. Với bà, đây không chỉ là sản phẩm độc đáo, mang hồn cốt của dân tộc mà còn là tâm hồn của những người thợ dệt nên.

Dành cả đời tâm huyết với nghề

Người phụ nữ ấy là Nghệ nhân Phan Thị Thuận, bà sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm nghề dệt tại làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Đây là ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt, đã có lịch sử hàng trăm năm tồn tại. Thế nhưng không tránh khỏi xu thế, làng nghề đang ngày càng bị mai một. Chính vì vậy, bà Phan Thị Thuận luôn mang trong mình nỗi trăn trở, làm sao để giữ được nét truyền thống của làng nghề nhưng vẫn phải mới mẻ để phát triển nghề. Mặc dù ở độ tuổi đã cao, nhưng bà vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để tìm lối đi mới.

VIDEO: Nghệ nhân Phan Thị Thuận, người đầu tiên thành công dệt lụa từ sen ở Việt Nam.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho rằng, làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn văn hóa của làng nghề đó, mà còn là diện mạo văn hóa của đất nước nên bà tự gánh trách nhiệm lên vai. Sau nhiều năm nghiên cứu, bà đã tìm ra hướng đi mới cho lụa, làm thành công sản phẩm lụa từ tơ sen và được nhiều người ưa chuộng. Với bà, đây không chỉ là sản phẩm độc đáo, mang hồn cốt dân tộc mà còn là tâm hồn của những người thợ dệt nên.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 1

Với nghệ nhân Phan Thị Thuận, những cuống sen đều rất có ý nghĩa với bà nên dù nắng nóng, bà vẫn tự tay lựa chọn từng cuống sen để mang về lấy tơ.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 2

Năm 2017, bà Thuận đã bắt đầu bắt tay vào việc thử nghiệm lấy tơ từ những cuống sen. Trải qua nhiều thử thách, khó khăn, cuối cùng bà đã thành công với sản phẩm đầu tiên là ba chiếc khăn được nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 để làm quà tặng.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 3

Bà luôn cẩn thận lựa chọn và rửa sạch sẽ từng cọng sen trước khi lấy tơ.

Để làm nên một sản phẩm từ lụa tơ sen tốn rất nhiều thời gian và công sức, từng công đoạn để dệt nên được một chiếc khăn lụa đều cần sự chuyên tâm, kỳ công, công đoạn lấy tơ là khó khăn nhất, vì sợi tơ mảnh, dễ bị đứt đoạn. Trong thời gian nghiên cứu và thử nghiệm bà gặp rất nhiều khó khăn thử thách, vì đây là kỹ thuật hoàn toàn mới, ở Việt Nam chưa từng có người làm. Bà dồn hết tâm huyết để nghiên cứu sản phẩm, sau nhiều lần thất bại thì những tấm lụa tơ từ sen cũng đã được hoàn thiện.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 4
Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng. Quá trình này cần sự tỷ mỉ vì tơ có thể bị đứt.
Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 5

Công đoạn cuối cùng là dệt thành tấm trên máy.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 6

Để tạo ra một chiếc khăn quàng cổ dài khoảng 1,7m thì cần đến 4,800 cuống sen để tạo nên. Giá bán khoảng 8 triệu/chiếc.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 7

Một bức tranh lụa từ tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 8

Một góc nhà treo đầy bằng khen, giải thưởng, huy chương với những ảnh lưu niệm của bà Phan Thị Thuận.

Ngoài việc sáng tạo nên sản phẩm từ lụa tơ sen, trước đó bà còn có những sáng tạo như cho tằm làm “thợ” để chúng tự dệt nên những tấm kén phẳng, tạo thành các tấm chăn, đệm. Bằng những sáng tạo, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng nghề dệt của Phùng Xá lên một tầm cao mới, gây được tiếng vang nhờ sự độc đáo khác biệt của làng nghề.

Chú trọng đào tạo, truyền nghề cho tầng lớp trẻ

Không tránh khỏi xu thế, làng nghề dệt truyền thống của Phùng Xã đối diện với vô vàn khó khăn, thử thách khi diện tích đất trồng cây dâu tằm bị thu hẹp, nhiều người dân trong làng đã chuyển sang nghề khác để mưu sinh, làng nghề có nguy cơ bị mai một.

Nhiều năm nay, nghệ nhân Phan Thị Thuận chưa từng bỏ cuộc, bà vẫn ngược xuôi tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân trong làng các kỹ thuật mới trong nghề, nhằm tạo dựng nền kinh tế vững chắc cho làng. Dù cho tốn kém tiền của, công sức, chỉ cần là người muốn học thì bà sẵn sàng truyền nghề. Tuy nhiên người học cần sự chuyên tâm và nguyên tắc rõ ràng.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 9

Nghệ nhân Phan Thị Thuận hướng dẫn cho các học trò tại xưởng tơ tằm

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 10

Hàng trăm học sinh trong và ngoài huyện được nghệ nhân dạy cách se sợi, lấy sợ tơ từ thân sen.

Đối tượng mà bà chú trọng đào tạo nhất là các tầng lớp trẻ tuổi, các bạn thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo bà, đây là tương lai, là bộ mặt của làng nghề, chỉ có thế hệ nối tiếp mới có thể giữ gìn và phát triển nghề dệt thủ công đang dần bị mai một. Bà không chỉ dạy cho các em các công đoạn để dệt nên lụa, mà còn truyền cho các em động lực và tâm huyết với nghề.

Hiện tại trong xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận có khoảng 50 thợ, đủ các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là các tầng lớp trẻ tuổi. Mỗi người một công đoạn khác nhau, bà đều giám sát từng công đoạn để chỉ bảo tận tình, những người mới học việc sẽ được bà cầm tay chỉ việc cho đến khi công việc thành thạo mới thôi.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 11

Để lấy tơ sen, các học viên dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, ve cho sợi tơ sen tròn lại.

Gặp nữ nghệ nhân Hà thành rút sợi tơ sen làm lụa dệt khăn ảnh 12

Những thợ thạo việc một ngày có thể rút trung bình 200 cuống sen.

Nhờ sự độc đáo, khác biệt mà làng nghề đã gây được tiếng vang trong nghề dệt lụa. Để tạo nên những sợ tơ sen chắc, dai mà vẫn mềm mại, óng ả thì cần sự tỉ mỉ, kỳ công trong từng công đoạn, và công đoạn lấy tơ cũng rất khó khăn, vì sợ tơ mảnh dễ đứt đoạn nên người thợ không được rời mắt, một chiếc khăn lụa từ tơ sen phải mất 4.800 cuống sen và hơn một tháng để hoàn thành.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ, vì vậy tôi không chỉ dạy các cháu thành thạo nghề mà còn truyền lửa, truyền động lực cho các cháu gìn giữ được nghề cổ truyền của cha ông, giúp các cháu thêm yêu làng quê và tự hào về nơi mình sinh ra. Tôi mong ước nghề dệt lụa của làng Phùng Xã mình ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đem lại kinh tế cho dân làng phát triển, gìn giữ được làng nghề không bị mai một”.

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.