Tại căn nhà yên tĩnh gần sân bay Tân Sơn Nhất, ông kể với phóng viên Tiền Phong về những kỷ niệm một thời chưa xa: Đối với Hoa Kỳ, lực lượng không quân Việt Nam chỉ như chàng tí hon đứng trước gã khổng lồ. Để đối phó hiệu quả, những người lính không quân đã nghĩ ra những chiến thuật không được ghi nhận tại bất cứ giáo trình không chiến nào trên thế giới.
Cẩu Mig 21 săn pháo đài bay B-52
Trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại, không quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường trinh sát, đánh bom phá hoại cơ sở quân sự, kinh tế, đường sá của ta ở miền Bắc. Máy bay trinh sát của họ bay hàng ngày, “trên sân bay để khẩu súng trường họ cũng phát hiện được”. Do vậy, trên sân bay ta chỉ để những máy bay đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
“Nước ta ở về hướng đông, cứ bay về hướng mặt trời mọc thì đó là quê nhà”.
Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường
Do vậy cứ rạng sáng, ông và các đồng đội phải dùng trực thăng chở máy bay Mig đi giấu trong làng hoặc trong rừng. Những chiếc Mi 6, loại máy bay trực thăng vận tải khổng lồ thời đó được sử dụng như những chiếc cẩu bay, hàng ngày miệt mài chở chiến đấu cơ đi giấu vào rạng sáng và đặt lại tại đường băng khi trời chập choạng tối chờ lệnh xuất kích. Thậm chí ông và đồng đội còn cẩu Mig vào tận sân bay dã chiến ở Đồng Hới, Troóc (Quảng Bình) để phục kích không quân Mỹ, đặc biệt là “pháo đài bay B 52”.
Không chỉ cẩu máy bay, tại các sân bay, thành phố lớn…, không quân ta thường xuyên cẩu cả giàn radar, pháo cao xạ lên núi hoặc di động khắp nơi. Mi 6 có thể cẩu được các loại pháo cao xạ cỡ nòng 37 tới 57 ly.
Không quân Mỹ hết sức bất ngờ, bối rối, không hiểu ra sao những chiếc Mig 21, Mig 17 lại có thể bất ngờ tấn công đội hình của họ từ sau lưng khi họ xâm nhập vùng trời Bắc Việt. Sau này nhiều phi công Mỹ sang Việt Nam kể lại: máy bay trinh sát chụp không ảnh về báo cáo không có ụ pháo cao xạ nào, hoặc sân bay hoàn toàn bỏ ngỏ vì không thấy radar. Không quân tới đánh lại thấy ụ pháo cao xạ ở khắp nơi, đồng loạt nhả đạn. Hoặc máy bay lọt thỏm trong màn hình radar đối phương.
Đại tá phi công Nguyễn Xuân Trường.
Phi công Mỹ luôn nghĩ rằng Mig chỉ có thể xuất kích đánh chặn từ các sân bay miền Bắc, và họ có phương án tác chiến trong trường hợp này. Vì Mig cần 2.000m đường băng cất hạ cánh, trong khi các sân bay dã chiến, chẳng hạn ở Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ dài từ 1.200 – 1.400m.
“Nhưng họ đâu biết rằng máy bay ta đã được trực thăng “cẩu” vào, trực sẵn chờ không quân Mỹ tới là tập kích sau lưng. Tuy đường băng ngắn không thể hạ cánh nhưng vẫn có thể cất cánh được. Đánh địch xong phi công sẽ hạ cánh tại một sân bay ở miền Bắc. Đây là cách mà ta áp dụng ở nhiều sân bay để linh hoạt đánh địch khiến họ không ngờ”.
Đánh xong mỗi trận, phi công trực thăng lại chuyển vị trí pháo, radar sang vị trí khác hoặc núi khác để tránh địch phát hiện, đánh bom. Việc thành lập trận địa pháo cũng khá sáng tạo. Chỉ cần công binh khoét một hố vừa đủ trên núi để trực thăng cẩu pháo, đạn dược và người lên là có thể đánh địch một cách bất ngờ. Nhờ những sáng tạo trong cách đánh mà không quân ta dù ít cả về số lượng máy bay lẫn mức độ hiện đại của vũ khí, trang thiết bị, vẫn lập những chiến công xuất sắc khiến không chỉ nước bạn mà cả kẻ thù cũng kinh ngạc.
Những phi đội hỗn hợp Bắc-Nam
Đánh Khmer Đỏ, phi công Nguyễn Xuân Trường tham gia từ những ngày đầu tiên. Cuối tháng 5/1975, ngay khi ta vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chưa lâu, lính Khmer Đỏ đã đổ bộ lên chiếm các đảo Thổ Chu, bắc đảo Phú Quốc, đồng thời gây hấn, thảm sát đồng bào ta ở một rẻo biên giới phía Tây Nam. Phi công Nguyễn Xuân Trường khi đó là phi đội trưởng phi đội UH 1 được lệnh cùng đồng đội tham gia phản kích, đánh bật chúng trở lại biên giới.
Ông Trường kể: Phi công trực thăng mình hồi đó trừ số ít phi công của ta cài vào hàng ngũ quân đội Sài Gòn, một số được đào tạo cấp tốc để sử dụng UH 1 chiến lợi phẩm, còn lại chủ yếu được đào tạo ở Liên Xô, lái các loại máy bay trực thăng do Liên Xô sản xuất. Trong khi đó số lượng các loại máy bay của Mỹ chúng ta thu được từ chính quyền Sài Gòn rất nhiều.
Lại một sáng tạo nữa, nhưng xét ra rất phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế khi đó. Chúng ta đã sử dụng một số phi công, thợ máy của quân đội Sài Gòn ra trình diện đưa vào đơn vị, để họ vừa tham gia chiến đấu cùng ta, vừa huấn luyện thêm anh em phi công mới, vừa kết hợp cải tạo. Những người lính bên kia chiến tuyến một thời, nay cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung.
Phi công Nguyễn Xuân Trường và đồng đội tại Sân bay Pochentong (Campuchia) năm 1979. Ảnh: T.Đ và chụp lại từ tư liệu gia đình.
“Thời đó không hiếm tổ bay trực thăng chiến đấu UH 1 vừa có phi công quân đội nhân dân Việt Nam vừa có phi công quân đội Sài Gòn cũ, lại vừa có xạ thủ súng minigun 6 nòng là bộ đội đặc công. Minigun 6 nòng là loại vũ khí rất uy lực có thể bắn 6.000 viên/phút, yểm trợ rất hiệu quả cho bộ binh, xe tăng tấn công mục tiêu mặt đất. Vượt qua mặc cảm, họ hòa nhập rất tốt và chiến đấu rất hăng” - ông Nguyễn Xuân Trường kể. Những người lính Sài Gòn nhiệt tình chỉ dẫn anh em phi công mới cách sử dụng trang thiết bị trên máy bay.
Trung đoàn không quân 917 được thành lập bằng toàn bộ máy bay chiến lợi phẩm thu được, gồm 2 phi đội UH 1, 1 phi đội CH 47, 1 phi đội trinh sát L 19, U 17. Trung tá phi công Lê Đình Ký là trung đoàn trưởng đầu tiên. Chính ủy lúc đó là thiếu tá phi công Trần Tấn Sơn. Thiếu tá phi công Nguyễn Xuân Trường là trung đoàn phó… Mãi tới năm 1978, sau khi nguồn máy bay chiến lợi phẩm cạn dần, trung đoàn mới bắt đầu được trang bị Mi 8. Năm 1981 được trang bị Mi 24.
Ngay sau khi thành lập, toàn trung đoàn tham gia ngay hai cuộc chiến mới: đẩy lùi, tấn công, truy quét Khmer Đỏ và tham gia dẹp Fulro cùng với đặc công ở Tây Nguyên. Cuối năm 1976, phi công Nguyễn Xuân Trường là người được lệnh vào tận căn cứ Fulro chở thiếu tướng tự phong của Fulro là K’Năm ra hàng.
Sau đó ông và đồng đội chủ yếu làm nhiệm vụ tại Campuchia với vai trò Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 917. Tham gia chiến đấu liên miên, ông không nhớ chính xác nhưng chừng 20 - 30 trận đánh lớn nhỏ. Trung đoàn không quân 917 được giao nhiệm vụ phối hợp Quân khu 5 đánh Khmer Đỏ bắt đầu từ biên giới.
Có những kỷ niệm thời chiến rất khó quên. Thời đó công tác dẫn đường phi công còn mới, càng thiếu ở chiến trường Campuchia. Khi tham chiến, giữa hoang tàn binh lửa, phi công rất dễ lạc đường, không biết đâu là “đất mình, đất địch”. Những phi công kỳ cựu như ông thường tâm niệm, đồng thời chia sẻ với phi công trẻ: “Nước ta ở về hướng đông, cứ bay về hướng mặt trời mọc thì đó là quê nhà”.
Đang là trung đoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy một cánh trực thăng phối hợp bộ đội đánh Khmer Đỏ ở Sisophon thì ông Trường được gọi về đi bay dầu khí. Số là ta ký hợp đồng với một công ty nước ngoài thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền phía Nam. Tàu nước ngoài đã tới, máy móc đã chuẩn bị, chỉ chờ phía Việt Nam đưa chuyên gia tới là đặt mũi khoan đầu tiên. Vì lý do nào đó, trực thăng thuê của Pháp chưa tới. Cứ chậm một ngày, phía nước ngoài phạt hàng ngàn đôla Mỹ.
Chuyến bay thành công. Ông trở thành phi công đầu tiên bay dầu khí và bay bằng máy bay quân sự, giúp ông bén duyên với dịch vụ bay, đặc biệt bay dầu khí. Trước khi về hưu ông mang hàm đại tá, Tổng giám đốc Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam.