Gần 25,5 tỷ USD FDI vào miền Trung

Gần 25,5 tỷ USD FDI vào miền Trung
Năm 2013, các tỉnh miền Trung thu hút thêm 66 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nâng tổng số vốn FDI "rót" vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ổ khu vực này lên gần 25,5 tỷ USD.

Ông Trịnh Minh Vân, giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, song năm 2013 các tỉnh miền Trung đã có nhiều "tín hiệu tốt lành" hấp dẫn nhiều dự án FDI qui mô lớn.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng các doanh nghiệp nước ngoài thăm khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Quảng Ngãi
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng các doanh nghiệp nước ngoài thăm khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Quảng Ngãi.

"Năm nay các tỉnh ở khu vực này thu hút thêm 66 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 1,5 tỷ USD nâng tổng số vốn đầu tư vào miền Trung lên gần 25,5 tỷ USD", ông Vân nói.

Trong đó, nổi bật trong năm 2013, tỉnh Bình Định thu hút dự án xây dựng nhà máy Lắp ráp và sản xuất phụ tùng ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác của Công ty TNHH Bus Industrial Center (Nga) vốn đầu tư 1 tỷ USD. Dự án khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Quảng Ngãi) giai đoạn 1 với số vốn hơn 125 triệu USD khởi công tại Quảng Ngãi.

Ngoài ra, dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) cũng tăng công suất gấp đôi (4 triệu tấn lên 8 triệu tấn), nâng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,2 tỷ USD. Dự án lọc dầu Nhơn Hội (30 tỷ USD) của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan cũng chính thức khởi động tại Bình Định lan tỏa lực hấp dẫn nhà đầu tư trong nước, quốc tế.

Trao đổi với PV sáng 24/12, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lạc quan, nhiều nhà đầu tư ở các nước Nga, Nhật và Hàn Quốc nhiều lần làm việc với tỉnh đặt vấn đề hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan xây dựng nhà máy lọc dầu Nhơn Hội tại địa phương.

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Thái Lan lạc quan về dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội 30 tỷ USD đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Thái Lan lạc quan về dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội 30 tỷ USD đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.

Hiện tại nhà đầu tư đã thuê tư vấn quốc tế trong các lĩnh vực tài chính, công nghệ, thị trường tập trung lập dự án tiền khả thi để đến tháng 4/2014 thông qua các Bộ, ngành trình Thủ tướng phê duyệt, triển khai dự án. Trường Đại học Shongkala (Thái Lan) và Đại học Quy Nhơn đã ký kết đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng cho dự án lọc dầu qui mô lớn này.

"Cùng với dự án lọc dầu Nhơn Hội khởi động, năm 2014, các doanh nghiệp Nhật đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến thủy sản; xây trung tâm dệt may, khu du lịch Hải Giang với hệ thống cáp treo vượt biển dài hơn 1,5 km chắc chắn tạo bước phát triển đột phá cho Bình Định", ông Lộc khẳng định.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi hi vọng khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Vsip) sẽ tạo sức hút mạnh mẽ vốn FDI đầu tư vào đây trong năm tới. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau 3 tháng khởi công xây dựng, đến nay khu liên hợp này đã thu hút 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cụ thể là Công ty URC Central (Philippines) xây nhà máy sản xuất sản phẩm khoai tây chiên hiệu Jack & Jill với vốn đầu tư khoảng 35 triệu USD. Tập đoàn Kingmaker Footwear có vốn niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Công (Trung Quốc) đầu tư 20 triệu USD xây nhà máy chuyên gia công sản xuất giày dép. Công ty Dệt may Hebei Xindadong(Trung Quốc) cam kết đầu tư xây dựng nhà máy dệt may với quy mô 60 triệu USD. Sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động, 3 nhà máy này sẽ tạo ra khoảng 11.000 việc làm cho người dân địa phương.

Ngoài ra, Tập đoàn Liwayway Marketing và OceanMaster Engineering (Philippines) cũng ký ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm và thiết bị lạnh hàng hải.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nơi được ví là
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nơi được ví là "trái tim" lan tỏa lực hút đầu tư cho Khu kinh tế Dung Quất.

Trong khi đó, đến nay Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó vốn thực hiện đạt trên 5 tỷ USD đóng góp từ 80-90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu đến năm 2015, Khu kinh tế này thu hút 15 tỷ USD, vốn thực hiện 10 tỷ USD, giải quyết việc làm 25.000 lao động, thu ngân sách 25.000 tỷ đồng.

Để khu kinh tế Dung Quất phát triển trở thành “đầu tàu” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi đang đề xuất Chính phủ cho phép áp dụng mô hình thành phố Dung Quất. Mô hình chính quyền thành phố mang tính tập trung, thống nhất giữa quản lý kinh tế và xã hội, nhằm thay thế mô hình quản lý đa ngành, đa cấp còn nhiều bất cập như hiện nay.

Ông Lê Văn Dũng, phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết thêm, sau nhiều tháng điều chỉnh, bổ sung, Bộ Kế hoạc & Đầu tư đã hoàn tất, chuẩn bị trình Thủ tướng xem xét dự án nhà máy luyện cán thép 4,5 tỷ USD do Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) liên doanh với E-United xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất.

"Nếu dự án qui mô lớn này được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12 này, hi vọng những năm tới cùng với khu tổ hợp lọc-hóa dầu, công nghiệp nặng Dooosan, tổ hợp luyện cán thép hình thành sẽ mang "luồng sinh khí" mới cho Dung Quất", ông Dũng khẳng định.

Theo Trí Tín
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.