Chiều 2/7, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị số 2 gồm bà Trần Kim Yến – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM và ông Đỗ Đức Hiển – Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiếp xúc cử tri quận 3 sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri La Kiến Cương (phường 5) bày tỏ băn khoăn với việc bỏ đếm ngược trên đèn tín hiệu giao thông. Ông đề nghị TPHCM và Quốc hội nên xem lại vì hiện còn có nhiều ý kiến phản biện.
“Bản thân tôi thấy thời gian rất quan trọng, bởi khi đó người đi đường có thể chủ động trong xử lý. Nếu để đột ngột chuyển đèn thì khi chạy với tốc độ tương đối nhanh sẽ rơi vào tình trạng vượt thì phạm luật, còn dừng lại đột ngột thì lại gây nguy hiểm cho người đi sau”, cử tri này phân tích.
Cử tri La Kiến Cương trao đổi tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Ngô Tùng |
Cử tri Cương cũng đề nghị chính quyền TPHCM nên xem lại hệ thống đường sá. Vị này nhìn nhận, dù trong thời đại 4.0 nhưng nhiều con đường thành phố cứ như “đi xe ngựa” bởi hố ga, cống thoát nước thiết kế không hợp lý.
Trao đổi vấn đề trên, ĐBQH Trần Kim Yến – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho biết, việc bỏ đếm ngược đèn giao thông là chương trình đang được thí điểm.
ĐBQH Trần Kim Yến thông tin đến cử tri. |
Bà Yến thông tin, theo các chuyên gia về giao thông, việc bỏ đèn đếm ngược đã được áp dụng tại một số quốc gia và hiện chỉ áp dụng đếm ngược cho đèn dành cho người đi bộ ở một số giao lộ có mật độ giao thông cao. Hiện nay TPHCM cũng chưa áp dụng được đối với tất cả các địa bàn mà chỉ áp dụng tại một số giao lộ lớn như Mai Chí Thọ – Tố Hữu (TP. Thủ Đức), giao lộ Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng Tám (quận 3).
Theo các đơn vị chức năng, đây là những giao lộ đã được lắp đặt camera và có kết nối về Trung tâm điều hành giao thông thành phố. Từ đó, trong quá trình điều hành giao thông, khi phát hiện có mật độ giao thông cao thì trung tâm sẽ điều chỉnh thời gian ngắt giữa đèn xanh – đèn đỏ – đèn vàng cho phù hợp với điều kiện giao thông ngay lúc đó, không phải cài đặt thủ công tại các chốt giao thông.
“Điều này cũng là đang thực hiện thí điểm và trên cơ sở đó, nếu việc hiệu quả tốt thì sẽ áp dụng tiếp ở các giao lộ khác, còn nếu không đạt yêu cầu thì có thể sẽ nghiên cứu tiếp theo”, bà Yến cho hay.
Quyết tâm đưa tuyến metro 1 vận hành trong năm 2024
Cử tri Nguyễn Nho Tình (phường 2) nêu kiến nghị cần sớm đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi vào hoạt động. Ông nhắc lại một trong những chỉ tiêu phát triển cách đây mấy năm mà HĐND TPHCM đã xác định là hoàn thành tuyến đường sắt đô thị này. Tuy nhiên, đến nay nhiều năm trôi qua nhưng tuyến metro này vẫn chưa thể đi vào hoạt động để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Theo ông Tình, các nguyên nhân, trở ngại khiến tuyến metro chậm vận hành hiện đã được khắc phục xong. “Việc kéo dài thời gian hoàn thành dự án sẽ làm đội vốn công trình và giảm niềm tin trong lòng người dân. Do đó cần sớm đưa tuyến này đi vào hoạt động để giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn và ô nhiễm môi trường”, ông Tình bày tỏ.
Trao đổi về điều này metro, ông Phạm Thành Kiên – Phó chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, đây không chỉ là ý kiến của riêng cử tri Tình mà còn là mong muốn chung của đồng bào cử tri, người dân và cả lãnh đạo thành phố cũng rất muốn tuyến metro đầu tiên này đi vào hoạt động.
Theo dự kiến, cuối năm nay sẽ đưa vào vận hành sau khi giải quyết, hoàn thiện một số công việc cuối cùng. “Trách nhiệm của thành phố là cố gắng đưa tuyến metro 1 đi vào vận hành trong năm 2024. Đây là quyết tâm của lãnh đạo thành phố”, ông Kiên nhấn mạnh.