Theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hai ông lớn công nghệ thế giới là Facebook và Google đã âm thầm thuê máy chủ ở Việt Nam trong những năm qua. Khoảng hơn 2000 máy chủ được đặt tại Việt Nam thông qua hợp đồng với 8 doanh nghiệp Việt, là những đơn vị cung cấp hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin như Viettel, MobiFone...Riêng Facebook, số lượng máy chủ đặt tại Việt Nam là hơn 900.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền thanh và Thông tin điện tử, trong thỏa thuận hợp tác giữa Facebook với các nhà mạng Việt Nam, Facebook luôn luôn đưa ra các điều khoản có lợi cho họ. Trong đó điều quan trọng nhất là không phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, trong thỏa thuận với các đối tác, Facebook luôn dùng một form chung trên toàn thế giới. Trong đó nói Facebook chỉ tuân thủ pháp luật của các quốc gia là Mỹ, Singapore- nơi họ đặt chi nhánh và Ailen, nơi họ đặt trung tâm dữ liệu.
Cũng vì lý do này nên dù đặt máy chủ ở Việt Nam song Facebook chưa chấp hành luật pháp Việt Nam trong đó có quy định về đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vì thế, nhiều sai phạm của Facebook tại Việt Nam như cho phép kinh doanh mặt hàng cấm, cho phép các thông tin vu khống, bôi nhọ tràn lan rất khó khăn trong việc xử lý.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, do không có dữ liệu quản lý và đầu mối liên hệ (văn phòng đại diện) tại Việt Nam nên chưa có cơ sở pháp lý cũng như điều kiện để áp dụng các biện pháp quản lý Nhà nước với Facebook.
Trong trường cần sự phối hợp để xác minh thông tin, dữ liệu như email gửi đi, gửi đến, nội dung inbox… thì sự phối hợp của cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng là hạn chế, thậm chí thiếu thiện chí khi liên tục viện dẫn pháp luật Mỹ hoặc đề nghị Chính phủ Việt Nam có trao đổi với Chính phủ Mỹ để được cung cấp thông tin, dữ liệu.
Nhiều trường hợp các sai phạm trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín danh dự cá nhân, tập thể song Facebook không phối hợp xử lý hoặc xử lý thì đã quá muộn, không còn giá trị.