EU muốn hợp tác với thế giới Ảrập chống khủng bố

Đợt biểu tình phản đối báo Pháp Charlie Hebdo tại Nigeria biến thành bạo lực. Ảnh: CNN
Đợt biểu tình phản đối báo Pháp Charlie Hebdo tại Nigeria biến thành bạo lực. Ảnh: CNN
TP - Liên minh châu Âu (EU) vừa kêu gọi liên minh với các nước Ảrập để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin trong bối cảnh các vụ tấn công chết người và bắt bớ xảy ra khắp châu Âu.

Hôm qua, 28 bộ trưởng ngoại giao EU họp bàn biện pháp ngăn chặn những tay súng nước ngoài trở về từ các chiến trường Syria, Iraq và xây dựng liên minh với các nước Hồi giáo để chống lại mối đe dọa từ các tay súng cực đoan. EU đang được đặt trong tình trạng cảnh báo cao, sau các vụ tấn công chết người ở Paris và các chiến dịch chống khủng bố tại Bỉ. 

“Chúng ta sẽ bắt đầu với thảo luận cách đối phó chủ nghĩa khủng bố không chỉ ở châu Âu mà còn ở các khu vực khác của thế giới”, Reuters dẫn lời quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU - bà Federica Mogherini.

Bà Mogherini hôm qua nói: “Chúng ta cần một liên minh, cần đẩy mạnh con đường hợp tác cùng nhau”. Một số bộ trưởng EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước Hồi giáo, thay vì đổ lỗi cho họ về vấn đề hiện nay. Ngoại trưởng Bỉ Frank-Walter Steinmeier nói rằng, các cuộc tấn công ở Paris “đã thay đổi châu Âu và thế giới”.

“Ngày nay, chúng ta phải nhìn nhận điều đó… và thảo luận điều gì phải làm, trong đó có cả khả năng tăng cường trao đổi với các nước Hồi giáo”, ông Steinmeier nói. 

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đưa ra quan điểm tương tự. “Các nước Hồi giáo trên thế giới chịu gánh nặng khủng bố nhiều hơn cả và họ sẽ tiếp tục trên tuyến đầu”, AP dẫn lời ông Hammond.

“Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ hơn với họ để bảo vệ cả họ và các nước EU”, Ngoại trưởng Anh nói. Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders tuyên bố, các chiến dịch truy quét của cảnh sát nước này hồi tuần trước cho thấy, chia sẻ thông tin là chìa khóa để thành công. Các bộ trưởng cho rằng, khó có thể đạt được một giải pháp nhanh chóng đối phó các tay súng nước ngoài; câu trả lời thực sự là phải giúp chấm dứt các cuộc xung đột ở Syria và Iraq.

“Đó là điều trong dài hạn có thể mang lại ổn định và an ninh cho khu vực, và cũng để giải quyết những nguyên nhân căn bản của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstroem nói.

Cuộc họp hôm qua là để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các nhà lãnh đạo EU vào ngày 12/2 về chống chủ nghĩa khủng bố.

Xung đột tôn giáo trầm trọng hơn

Bỉ vẫn đang truy lùng Abdelhamid Abaaoud - kẻ bị tình nghi lên kế hoạch giết hại cảnh sát Bỉ (kế hoạch này bị cảnh sát phá vỡ tuần trước). Các công tố viên Bỉ cho biết, họ đang thực hiện các biện pháp để dẫn độ một nghi can bị bắt ở Athens cuối tuần qua về nước. Đối tượng này được cho là có liên quan âm mưu nói trên. 

Tại Đức, cảnh sát đã cấm một cuộc tụ tập của phong trào chống Hồi giáo PEGIDA và các vụ tập trung đông người ngoài trời được lên kế hoạch thực hiện ngày hôm qua ở thành phố miền đông Dresden, vì có mối đe dọa cụ thể nhằm vào các thủ lĩnh của họ.

Nhóm này nói rằng, mối đe dọa xuất phát từ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq. Báo chí địa phương đưa tin, thủ lĩnh nổi bật nhất của PEGIDA là Lutz Bachmann đang là mục tiêu bị tấn công. Một tòa án tại Pháp cuối tuần qua ngăn chặn cuộc tuần hành của các nhóm chống Hồi giáo tại Paris với lý do việc này làm trầm trọng hơn sự kỳ thị đối với đạo Hồi.

Cơn giận dữ đang tiếp tục bùng phát ở các nước có phần lớn dân số theo đạo Hồi. Niger chứng kiến đợt bạo lực tồi tệ nhất, với ít nhất 10 người bị giết hại. Những đợt biểu tình mới bùng phát tại Pakistan hôm 18/1.

Trung Quốc bắn chết 2 người Duy Ngô Nhĩ

Hôm qua, Xinhua đưa tin, cảnh sát Trung Quốc ngày 18/1 phát hiện một nhóm 5 cư dân khu tự trị Tân Cương đào tẩu tới thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây giáp Việt Nam.

Tại Bằng Tường, 2 người Duy Ngô Nhĩ dùng dao chống lệnh bắt giữ, tấn công cảnh sát đã bị bắn chết; 2 người bị bắt giữ; 1 người đang bị truy lùng.

Reuters đưa tin, Trung Quốc lo ngại những người Duy Ngô Nhĩ vượt xa Tân Cương để kết nối với các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Bộ Công an Trung Quốc thông báo, họ phát hiện Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đã thực hiện 262 vụ buôn người, nhằm lan truyền chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, và lôi kéo người dân ra nước ngoài để tham gia thánh chiến.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.