Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có cuộc họp nghe báo cáo và thống nhất tiến độ triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo báo cáo nghiên cứu của Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sẽ bắt đầu từ Hà Nội đến TPHCM, đi qua 20 tỉnh thành, với chiều dài khoảng 1.545km.
Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ đi tránh các khu vực địa hình, địa chất phức tạp, nhạy cảm về môi trường và các tiếp cận các đô thị lớn dọc theo hành lang Bắc - Nam. Dự kiến có 23 ga (trong đó có 5 ga chính) và 5 khu bảo trì kỹ thật (depot).
Để hạn chế ảnh hưởng chia cắt dân cư (hạn chế đường ngang), và ứng phó biến đổi khí hậu, dự kiến tuyến sẽ đi chủ yếu trên cao và hầm (khoảng 70%).
Hiện tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận với các địa phương để thống nhất ý kiến về phương án tuyến, vị trí nhà ga và depot.
Tư vấn cũng đưa ra các kịch bản xây dựng đường sắt mới, kinh nghiệm các nước, phương án khai thác, quy mô đầu tư, kịch bản khai thác riêng tàu khách, hoặc kết hợp tàu khách và hàng; kiến nghị lựa chọn công nghệ và tốc độ chạy tàu; phương án đầu tư, huy động vốn…
Ông Thể đề nghị đơn vị tư vấn tập trung hoàn thiện nội dung Báo cáo đầu kỳ đảm bảo chất lượng để giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương, chuyên gia... để thông qua ngay trong tháng 8 này.
Đồng thời, tư vấn làm việc cụ thể với TPHCM, Nghệ An, Đà Nẵng để thống nhất rõ về hướng tuyến, vị trí ga.
Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong năm 2018 trước khi trình Quốc hội xem xét.
Trong hơn 1 tháng qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã lần lượt làm việc với các địa phương dự kiến có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua để thống nhất về hướng tuyến, vị trí ga, nhằm xây dựng báo cáo tiền khả thi.