Làm đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam theo 3 giai đoạn

Sau năm 2050 có thể chuyển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thành đường sát cao tốc. Ảnh minh họa.
Sau năm 2050 có thể chuyển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thành đường sát cao tốc. Ảnh minh họa.
TPO - Theo Bộ GTVT, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ chia thành 3 giai đoạn, với mục tiêu sau năm 2050 sẽ trở thành đường sắt cao tốc.

Theo đó, giai đoạn thứ nhất từ nay đến năm 2020: Tập trung nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, với đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Sài Gòn.

Giai đoạn 2 năm 2020 đến năm 2030: Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa; hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ 350 km/h trong tương lai; ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Giai đoạn 3 tầm nhìn đến 2050: Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ 350 km/h (tốc độ cao tốc).

Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS cho rằng, giai đoạn 2020 đến 2030, Việt Nam sẽ phải vận hành tàu tốc độ 200km/h, để làm quen kỹ thuật công nghệ, tổ chức chạy tàu; khi nâng lên tốc độ đến 350km/h cần phải có hệ thống đi kèm về khai thác vận hành, nhân lực trình độ cao mới đảm bảo an toàn.

Bộ GTVT đang làm việc với các tỉnh có đường sắt đi qua để xác định hướng tuyến, như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... 

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài hơn 1.500 km, đi qua 20 tỉnh thành, trong đó gần 60% đi qua cầu và hầm; trên tuyến có 23 nhà ga. Tuyến đường dự kiến sẽ đi xuyên đèo Cù Mông, đèo Cả...

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ để xem xét, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2019.

MỚI - NÓNG