Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco, mã CK: HRT) cho biết, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay đạt 1.193 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, công ty báo lỗ thuần 3,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập đột biến gần 9 tỷ đồng từ thanh lý và nhượng bán tài sản mà công ty “lách qua khe cửa hẹp” với mức lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng. Theo nội dung giải trình của ban lãnh đạo Haraco, công ty vừa hoàn tất thanh lý 150 toa xe và thu về gần 7 tỷ đồng, phần còn lại đến từ việc thanh lý lô trục bánh. Như vậy, ước tính giá trị thanh lý mỗi toa xe khoảng 46 triệu đồng.
Mới đây, công ty tiếp tục thông báo lựa chọn đơn vị bán đấu giá tài sản cho lô 134 toa xe các loại với giá khởi điểm là 7,3 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế và chi phí vận chuyển, cắt dỡ...
Báo cáo thường niên năm ngoái cho thấy, hầu hết phương tiện chuyên chở hành khách và hàng hoá của công ty đều lạc hậu. Số toa xe sử dụng từ 10 năm trở lên chiếm trên 90% nên thường xảy ra sự cố và không kịp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Bên cạnh đó, nhiều loại vật tư phụ tùng phải nhập khẩu, chi phí sửa chữa rất lớn khiến giá trị dự trữ vật tư của công ty chiếm khoảng 7-10% vốn điều lệ.
Trong khi Haraco tích cực thanh lý tài sản, hoán cải và nâng cấp toa xe thì mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cổ đông sở hữu 91,62% vốn điều lệ công ty đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư và vay vốn tín dụng của nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để đầu tư các dự án đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020 với tổng mức trên 4.659 tỷ đồng.
Cụ thể, Tổng công ty Đường sắt sẽ phân bổ nguồn vốn này cho việc đầu tư 100 đầu máy mới, 300 toa xe vận chuyển container và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/h. Đáng chú ý là “ông lớn” ngành đường sắt cũng dự kiến dành 1.674 tỷ đồng đầu tư 150 toa xe khách, tính bình quân mỗi toa xe đóng mới tốn hơn 11 tỷ đồng.
Theo phân tích của ban lãnh đạo công ty, nếu vay vốn ngân hàng thương mại sẽ chịu lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao trong khi lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước tại VDB lại ổn định, thời gian vay vốn dài, doanh nghiệp có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm tiền vay.
Luật Đường sắt 2017 vừa được ban hành quy định niên hạn sử dụng của đầu máy và toa xe. Do đó, Tổng công ty dự kiến từ nay đến 2020 sẽ thay thế dần các phương tiện lạc hậu, công suất nhỏ bằng toa xe được sản xuất bởi các nước công nghiệp phát triển nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác.