Trước đó, tối 4/12 sau nhiều lần kiến nghị, yêu cầu nhà máy ngừng sản xuất, khắc phục tình trạng mùi hôi thối, khói và tiếng ồn phát ra từ nhà máy nhưng không được đáp ứng, các hộ dân đã dựng lều ngay trước cổng nhà máy, dùng gậy gộc cản đường, dựng rào chắn không cho xe cộ ra vào nhà máy để phản đối.
Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân cho biết: “Những gia đình sống xung quanh nhà máy đã phải chịu cảnh ô nhiễm khi nhà máy này đi vào hoạt động từ năm 2009. Dân nhiều lần bao vây nhà máy, ngành chức năng xuống giải quyết nhưng chỉ một thời gian ô nhiễm lại tái diễn”. Cũng theo ông Bình, điều lo ngại nhất là nằm cách nhà máy này chưa đến 200 m có trường Tiểu học Hồ Xuân Phương, thời gian gần đây nhiều học sinh có biểu hiện nghẹt mũi, khó thở.
Sáng 7/12 công an xã Điện Nam Đông và lực lượng chức năng huyện Điện Bàn xuống tận nhà máy để nắm tình hình, báo cáo sự việc và chờ cấp trên xử lý.
Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh VP UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tình trạng ô nhiễm tại nhà máy thép Việt - Pháp được dân phản ánh từ lâu, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng huyện Điện Bàn giải quyết dứt điểm, tuy nhiên đến nay việc xử lý chưa thấu đáo gây bức xúc cho bà con.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, cơ quan chức năng của huyện cùng sở Tài nguyên & Môi trường trước đây từng xử lý tình trạng ô nhiễm tại Nhà máy thép Việt - Pháp, tuy nhiên, gần đây ô nhiễm tái diễn.
“Huyện đã lập đoàn kiểm tra, nếu công ty gây ô nhiễm sẽ phải xử lý theo pháp luật. Việc người dân phản đối bằng cách tập trung đông người, cản trở hoạt động của nhà máy trái phép, huyện sẽ họp và bàn phương án xử lý”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, vì tình trạng ô nhiễm mà từ năm 2013 UBND tỉnh Quảng Nam đã rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà máy thép Việt - Pháp từ 50 năm xuống còn 18 năm.