Đừng để “hội chứng 200 ngàn” lan rộng

TP - Hành vi của người đàn ông 61 tuổi bất ngờ ôm ghì một bé gái xa lạ mới 7 tuổi trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 ở TPHCM, không phải một lần mà nhiều lần trong tư thế cực kỳ phản cảm như video clip được phát tán, theo tôi không còn cách gọi nào khác ngoài hai từ : Dâm ô ! 

Đặc biệt, hành vi xấu xa này gây sự phẫn nộ trong dư luận, bởi nghi phạm được cho là nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND một thành phố lớn vừa nghỉ hưu.

Vẫn ở trong thang máy, nhưng ở một chung cư khác tại Hà Nội cách đây vài tuần, gã đàn ông bất ngờ lao vào ôm hôn ngấu nghiến một cô gái. Có người gọi hành vi đó là sàm sỡ, có người gọi “cưỡng” hôn, thực chất phải gọi đó là tấn công tình dục. Thật bi hài, gã đàn ông dâm đãng này chỉ bị phạt hành chính có vẻn vẹn 200 ngàn đồng. Lý do, chưa có quy định pháp luật nào khác ngoài khung xử phạt hành chính 100- 300 ngàn đồng trong Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Xin lưu ý rằng, ở cả hai trường hợp nêu trên, nếu xảy ra tại đa số các nước khác, việc các đối tượng này ngay lập tức bị tống giam và đưa ra xét xử là điều hầu như không phải bàn cãi. Tấn công tình dục là một loại hành vi bị hình sự hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với trẻ em thì không thể dung tha. Còn nhớ, một nam diễn viên hài của Việt Nam từng bị tống giam và đưa ra xét xử tại một tòa án của Mỹ, trong đó có tội “mưu toan tấn công tình dục trẻ em”, tức cảnh sát chỉ cần chứng minh anh ta có kế hoạch tấn công đã là có tội. Nói chi đến hành vi ôm ghì từ phía sau và hôn hít một bé gái trong thang máy được camera ghi lại rõ mồn một như tại TPHCM vừa qua ? Một khoảng trống pháp lý rất đáng lo ngại đối với hành vi tấn công tình dục tại Việt Nam !

Đáng tiếc, vẫn còn một khoảng trống pháp lý nữa nhưng ở lĩnh vực khác. Đó chính là quy định về lắp đặt camera giám sát ở nơi công cộng. Tại Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác, luật quy định bắt buộc phải có biển cảnh báo có camera an ninh với dòng chữ, đại loại như “Vì sự an toàn của bạn, tại đây đang có camera giám sát hoạt động 24/24”. Biển cảnh báo công khai này có hai tác dụng : Thứ nhất, nhắc nhở người dân về tính riêng tư tại vị trí này không được bảo hộ, giúp mọi người có ý thức giữ gìn hình ảnh nơi công cộng. Thứ hai, cảnh báo và ngăn ngừa những hành vi trái pháp luật, những kẻ muốn ra tay sẽ phải chùn bước.

Nếu như, quy định trên có tại Việt Nam, thang máy nơi hai kẻ “yêu râu xanh” ở Hà Nội và TPHCM kia nổi thú tính, tôi dám chắc chúng sẽ phải “toát mồ hôi” mà suy nghĩ lại khi nhìn thấy tấm biển cảnh báo “camera đang hoạt động” (camera in use) nổi bật trước mặt.

Không thể chậm trễ hơn, các nhà làm luật cần khẩn cấp ban hành ngay quy định pháp luật cần thiết về lĩnh vực này ! Xin đừng để “hội chứng 200 ngàn” bi hài tiếp tục lan rộng trong xã hội! Chậm ngày nào, ngày đó sẽ còn những người như nữ sinh ở Hà Nội hay cháu gái ở TPHCM trở thành nạn nhân tiếp theo của hành vi tấn công tình dục đầy thú tính.

MỚI - NÓNG